Giảm thuế để kích thích tăng trưởng - Nỗ lực gỡ khó cho doanh nghiệp

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được báo cáo Quốc hội khóa XIII đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng như cử tri cả nước.

 

Giải đáp chính sách thuế cho người nộp thuế tại phòng Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế - Cục Thuế Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

 

Trao đổi với phóng viên Tin tức ngày 24/5, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cho rằng: Mức giảm thuế lần này dù chưa tạo được hiệu ứng mạnh tới cộng đồng DN, nhưng do mức thuế TNDN của Việt Nam đang ở mức cao, nên việc giảm thuế có ý nghĩa lớn trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn.

 

Ngân sách ảnh hưởng ngắn hạn nhưng lợi lâu dài


Theo dự thảo lần này, thuế suất thuế TNDN được giảm theo lộ trình và áp dụng riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V). Cụ thể: Thuế suất phổ thông áp dụng từ ngày 1/1/2014 giảm thêm 3%: từ 25% xuống 22%, từ ngày 1/1/2016 giảm tiếp từ 22% xuống 20%. Còn thuế suất áp dụng cho DNN&V từ ngày 1/1/2014 giảm từ 25% xuống 20%, từ ngày 1/1/2016 giảm tiếp từ 20% xuống 17%. Riêng DN sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất phổ thông 20% kể từ ngày 1/7/2013.


Trao đổi với phóng viên Tin tức, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNN&V, cho rằng: Đây là bước tiến mới cũng như nỗ lực của Chính phủ trong việc gỡ khó cho DN. Đại diện Hiệp hội này cũng cho rằng, việc giảm thuế nên được thực hiện từ từ bởi cũng phải chia sẻ khó khăn với ngân sách nhà nước (NSNN).


Góp ý sửa đổi Luật Thuế TNDN, đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng tình quan điểm giảm dần thuế suất và nên hướng tới mức thuế suất 20% để “cứu” DN. Theo đại biểu Trần Du lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh), từ năm 2014 nên giảm thuế suất thuế TNDN từ 25% xuống mức 22% và từ năm 2016 nên áp dụng mức 20% là hợp lý.


Theo tính toán của các chuyên gia, việc điều chỉnh thuế suất phổ thông và thuế suất ưu đãi như trên; đồng thời bổ sung đối tượng ưu đãi thì dự kiến năm 2014 NSNN sẽ giảm vào khoảng 22.200 tỷ đồng; năm 2016 dự kiến giảm thêm 21.190 - 21.580 tỷ đồng. “Giảm thu NSNN và bội chi tăng trong thời gian tới là vấn đề được Bộ Tài chính cũng như các chuyên gia kinh tế bày tỏ sự lo ngại. Tuy nhiên, ngân sách chỉ thiệt ngắn hạn nhưng lại có lợi lâu dài”, ông Phương nói.


Tại tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN báo cáo Quốc hội lý giải: Số giảm thu NSNN sau các đợt giảm thuế sẽ được bù lại một phần do tăng thu từ các loại thuế gián thu và thuế thu nhập cá nhân (năm 2014 khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng, năm 2016 khoảng 2.000 - 2.500 tỷ đồng).

 

Mở rộng diện ưu đãi


Theo Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, nhiều DN đang có hoạt động đầu tư mở rộng dưới nhiều hình thức đa dạng nhưng theo luật hiện hành thì các trường hợp không thành lập mới đều không được ưu đãi thuế. Do đó, việc dự án Luật sửa đổi cho phép ưu đãi thuế TNDN đối với DN đầu tư mở rộng đã phần nào đáp ứng kỳ vọng của DN.


Theo đại biểu Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội), mức thuế suất TNDN phổ thông hiện hành là 25%, dự thảo sửa thành 22% và riêng DNN&V áp dụng thuế suất 20% là chưa phù hợp. Hiện nay, tất cả DN đều gặp khó khăn chứ không riêng DNN&V. Vì vậy, đại biểu này đề xuất áp dụng mức thuế phổ thông 20% đối với tất cả các DN; thời gian hỗ trợ nên được thực hiện sớm hơn là từ năm 2014 đến 2015 để giúp DN tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Liên quan tới vấn đề này, TS Lê Quốc Phương cũng bày tỏ sự băn khoăn, liệu các DN lớn có xé lẻ thành DN nhỏ để được giảm thuế TNDN...?


Đại diện Hội tư vấn thuế Việt Nam nhìn nhận: Nhìn chung, quy định ưu đãi thuế TNDN đối với đầu tư mở rộng của doanh nghiệp trong Luật sửa đổi lần này đã phần nào đáp ứng kỳ vọng của DN, giúp DN có thể có thêm nguồn vốn để đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất... Tuy còn băn khoăn về tiêu thức, ngưỡng xác định DN có quy mô nhỏ và vừa, nhưng việc áp dụng thuế suất riêng, thấp hơn thuế suất cơ bản là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với đối tượng này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.


Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là trong Luật sửa đổi lần này sẽ nâng mức chi phí quảng cáo từ 10% (hiện hành) lên 15%. Đây được xem là hướng sửa đổi tích cực. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyệt Hường, với DN sản xuất hàng đặc thù như hóa mỹ phẩm, nếu không quảng cáo, tiếp thị thì việc tiêu thụ sản phẩm sẽ không đạt hiệu quả mong muốn. Có ý kiến cho rằng, về lâu dài nên tiến tới bỏ mức khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị với DN, bởi hiện chỉ còn hai quốc gia giữ quy định này.

 

P.Liên - M.Phương

Tạo niềm tin về cơ hội phát triển

Đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM đã trao đổi với PV Báo Tin tức về các giải pháp nhằm “cứu” doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN