Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải dự Đại hội.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang Võ Anh Kiệt cho biết, dân số An Giang có trên 1,9 triệu người, trong đó có gần 120.000 người dân tộc thiểu số (chiếm 5,26%) với 29 dân tộc cùng sinh sống, có 4 dân tộc dân số đông, sinh sống lâu đời là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm.
Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Nổi bật là hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số luôn được tỉnh quan tâm đầu tư và có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn tỉnh có 100% số xã, phường có đường ô tô đến tận trung tâm xã, ấp; 100% số xã có trạm y tế, công trình thủy lợi, nhà bưu điện văn hóa, trạm truyền thanh, lưới điện quốc gia; 90% hộ dân sử dụng điện và số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ngày càng tăng.
Tỉnh An Giang có 21 trường phổ thông thực hiện chương trình dạy tiếng dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số học tập, tiếp thu tri thức. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã đào tạo trên 5.400 lao động là người dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh An Giang có 54/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt 45,38%. Tại 3 huyện (Tri Tôn, Tịnh Biên và An Phú) - địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số, 7/36 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 19,4%). Tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giai đoạn từ năm 2016-2018 bình quân giảm 3,8%/năm.
Trong 5 năm qua, nguồn vốn từ Chương trình 135 đã đầu tư hơn 120 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ trực tiếp cho 116.448 hộ nghèo thực hiện các mô hình sản xuất; 11.278 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay hơn 162 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách.
Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh An Giang tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là người dân tộc thiểu số, qua đó từng bước thu hẹp chênh lệch giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng phát triển.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2024, giảm 15% số xã đặc biệt khó khăn, giảm 30% hộ nghèo dân tộc thiểu số so với hiện nay; 100% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có đủ hạ tầng thiết yếu, có trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, 100% hộ dân tộc thiểu số có thẻ bảo hiểm y tế...
Chỉ đạo tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải khẳng định: Công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị; mang tính chiến lược cơ bản, thực hiện thường xuyên, lâu dài vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh tập trung chỉ đạo, xác định nhiệm vụ giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc.
Tỉnh An Giang cần thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc, vùng miền, tiến tới không còn địa bàn và đối tượng đặc biệt khó khăn; gia tăng đầu tư các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của trưởng thôn, chức sắc, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, tỉnh vận động đồng bào phấn đấu vươn lên thoát nghèo; phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng dân tộc; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đẩy mạnh công tác thông tin, từng bước hạn chế, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
Tỉnh tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường công tác đối ngoại với các tỉnh bạn Campuchia; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Dịp này, 5 tập thể, 9 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 15 tập thể, 14 cá nhân nhận Bằng khen của UBND tỉnh An Giang vì thành tích xuất sắc trong việc thực hiện công tác dân tộc.