Ngày 21/4, tại thủ đô Jakarta, Indonesia, đã diễn ra cuộc Tọa đàm cấp Bộ trưởng bên lề Hội nghị cấp cao Á-Phi với chủ đề "Chính sách, kinh nghiệm và thách thức trong quản lý biển và đại dương nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững". Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, cùng các bộ trưởng, thứ trưởng và trưởng đoàn các nước Á-Phi có biển ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương đã tham gia cuộc tọa đàm này.
Lễ khai mạc hội nghị Bộ trưởng Á- Phi 2015. Ảnh: Trần Hiệp - Phóng viên TTXVN tại Indonesia |
Biển và đại dương có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển bền vững của mọi quốc gia, đặc biệt là các nước ven biển và hải đảo. Chính vì vậy, một trong những Mục tiêu phát triển bền vững dự kiến được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào tháng 9 năm nay là Bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và các tài nguyên vì phát triển bền vững.
Tham gia thảo luận, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng các nước Á-Phi cần tích cực tham gia xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau 2015, trong đó có Mục tiêu về biển và đại dương, tăng cường hợp tác sử dụng bền vững các tài nguyên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), đảm bảo tự do, an ninh, an toàn hàng hải.
Nhằm bảo vệ biển và đại dương cho các thế hệ mai sau, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc kêu gọi các nước cùng hợp tác để ứng phó hiệu quả với các thách thức ở các khu vực, trong đó có Biển Đông, mối đe dọa đối với an toàn và an ninh hàng hải, các hành động tôn tạo trái với luật pháp quốc tế, thay đổi hiện trạng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển và làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.
Các đại biểu nhất trí cho rằng để thực hiện mục tiêu này cần quản lý hiệu quả các hoạt động đánh bắt, phòng chống ô nhiêm môi trường biển và tuân thủ UNCLOS 1982.
Các nước cũng nhấn mạnh cần cùng nhau xử lý tốt thách thức như biến đổi khí hậu, tình trạng đánh bắt bừa bãi, cướp biển, tranh chấp biển đảo. Indonesia, Timor Leste, Maroc, Madagasca… nhấn mạnh UNCLOS 1982 là nền tảng cho hợp tác về biển, đại dương.
Philippines cho rằng các hoạt động tôn tạo đang gây hại nghiêm trọng cho các dải san hô và tài nguyên sinh vật biển, môi trường biển và đại dương.
Các nước Á-Phi cam kết chống khủng bốCùng ngày 21/4, trước thềm Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Á-Phi (Hội nghị Bandung), ngoại trưởng các nước Á-Phi đã cam kết đấu tranh chống khủng bố và nạn buôn bán ma túy.
Theo Ngoại trưởng nước chủ nhà Indonesia Retno Marsudi, các ngoại trưởng đến từ các nước Á-Phi đã nhận thức rõ tầm quan trọng của hòa bình và ổn định cũng như sự cần thiết đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có khủng bố và buôn bán ma túy.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ebrahim Rahimpour nhận định "chủ nghĩa khủng bố và cực đoan bạo lực" đang tiếp tục đe dọa thế giới, trong khi Ngoại trưởng Somalia Khalid Omar Ali thừa nhận nghèo nàn và dân trí thấp là những yếu tố góp phần làm gia tăng chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Hội nghị Bangdung 1955 có sự tham gia của 29 nước châu Á và châu Phi, trong đó có 23 nước châu Á (Afghanistan, Myanmar, Ấn Độ, Indonesia, Jordan, Iran, Iraq, Yemen, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Syria, Lebanon, Nepal, Pakistan, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam) và 6 nước châu Phi (Ai Cập, Ghana, Ethiopia, Liberia, Libya và Sudan). Đoàn đại biểu Việt Nam khi đó do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu tham dự hội nghị.
Hội nghị đã thông qua 10 nguyên tắc Bangdung lịch sử, làm nền tảng cho quan hệ giữa các nước ở hai châu lục, trong đó có các nguyên tắc như: tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế…
Hội nghị Bangdung 1955 được xem như một biểu tượng về sự hồi sinh của các quốc gia châu Á và châu Phi. Sự kiện này đã tạo động lực đưa đến những biến đổi to lớn trên bản đồ chính trị thế giới với sự ra đời của một loạt các quốc gia độc lập ở châu Á và châu Phi, tạo tiền đề cho sự ra đời Phong trào Không liên kết và hợp tác Nam-Nam sau này.
Hội nghị Bandung đã mang một ý nghĩa quan trọng, đánh dấu thời điểm các quốc gia châu Á và châu Phi bắt đầu bước lên vũ đài chính trị quốc tế, tham gia tích cực vào việc giải quyết những vấn đề chung của khu vực và thế giới.
TTXVN/Tin tức