Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ tháng 9/2012 đến ngày 3/7/2014 , đã có 826 ca nhiễm Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút corona (MERS-CoV) tại 22 quốc gia; trong đó, có ít nhất 287 ca tử vong, tương đương khoảng 35% số mắc. Phần lớn các ca bệnh đều được báo cáo tại các nước khu vực Trung Đông, nhất là Arab Saudi.
“Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc giao lưu đi lại giữa các quốc gia dễ dàng như hiện nay thì không thể loại trừ nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các quốc gia vùng Trung đông vào các quốc gia khác. Những trường hợp mắc bệnh MERS-CoV đã ghi nhận tại châu Á (Malaysia và Philippine), châu Âu (Pháp, Đức, Mỹ, Hà Lan...) đều là những trường hợp có tiền sử đi, đến khu vực Trung Đông như Ả Rập Saudi và khi quay trở về nước thì phát hiện bệnh”, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra hệ thống giám sát thân nhiệt từ xa tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. |
Cũng theo ông Trần Đắc Phu, tại Việt Nam, ngay từ khi WHO thông báo các trường hợp mắc MERS-CoV tại Arab Saudi vào năm 2012, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát, đặc biệt là các đơn vị kiểm dịch y tế biên giới tại các cửa khẩu quốc tế chủ động tăng cường giám sát hành khách nhập cảnh thông qua máy soi thân nhiệt từ xa để sớm phát hiện những hành khách có biểu hiện sốt, kịp thời cách ly, tránh lây lan. Kế hoạch phòng chống MERS-CoV tại Việt Nam đã được xây dựng theo 3 tình huống: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam; xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam; dịch lây lan trong cộng đồng.
Trong trường hợp chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam như hiện nay, ngành y tế sẽ tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân có yếu tố dịch tễ liên quan thông qua hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia và giám sát các trường hợp nghi ngờ tại các cơ sở khám chữa bệnh, tại cộng đồng. Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc giám sát hành khách tại cửa khẩu; thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa, xem xét áp dụng khai báo y tế tại các cửa khẩu quốc tế phù hợp với tình hình Việt Nam và thông lệ quốc tế. Giai đoạn đầu, Bộ Y tế yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng tiếp nhận mẫu để chẩn đoán xác định MERS-CoV.
Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Đẩy mạnh công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện. Thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị bệnh nhân MERS-CoV. Thiết lập khu vực cách ly riêng để khám và điều trị các trường hợp nghi ngờ nhiễm MERS-CoV không được để lây nhiễm trong bệnh viện.
“Trước tình hình diễn biến phức tạp của MERS-CoV, số ca mắc bệnh trên thế giới vẫn tiếp tục được ghi nhận, bắt đầu từ ngày 1/7/2014, Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan khác triển khai áp dụng khai báo y tế tại 3 sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng đối với hành khách nhập cảnh từ 9 nước khu vực Trung Đông gồm: Arab Saudi, Qatar, UAE, Oman, Yemen, Kuwait, Lebanon, Jordan và Iran”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Để phòng chống căn bệnh nguy hiểm này, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết tiếp xúc, phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Tăng cường thông khí tại nhà ở, nơi làm việc bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ... Những người đi/đến từ các nước đang có dịch bệnh MERS-CoV cần chú ý và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm. Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp như: Sốt trên 38°C, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời…
Phương Liên