Tại buổi làm việc, hai bên nhất trí cho rằng hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước tuy gần đây đã có bước phát triển tích cực, song vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai nước. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu thông tin về thị trường, khoảng cách địa lý xa xôi, thiếu khung pháp lý thuận lợi cho hợp tác song phương cũng như các hoạt động xúc tiến cần thiết ở mỗi quốc gia.
Trong thời gian tới, Gambia và Việt Nam cần nỗ lực tăng cường hợp tác, tập trung vào việc tăng cường và hoàn thiện khung pháp lý, đẩy mạnh công tác thông tin và các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước, khuyến khích doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư vào các lĩnh vực hai nước có thế mạnh như nông nghiệp, khai thác và chế biến thủy hải sản, thương mại, du lịch…
Đại sứ Phạm Quốc Trụ nhấn mạnh Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ và hợp tác nhiều mặt với Gambia, đặc biệt là các lĩnh vực mà hai nước đều quan tâm. Trong thời gian tới, hai nước cần sớm đàm phán và ký một số hiệp định quan trọng nhằm tạo dựng khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho quan hệ hợp tác song phương, tăng cường trao đổi các đoàn, nhất là các đoàn doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường và đối tác cũng như tham gia các hoạt động xúc tiến, tiếp cận thị trường của nhau.
Bộ trưởng Lamin Jobe đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, bày tỏ mong muốn được Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Gambia phát triển, đặc biệt là về nông nghiệp, thủy sản.
Ông cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sang thị trường Gambia, tận dụng các lợi thế về ưu đãi mậu dịch hiện nay của Gambia với Mỹ và châu Âu để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường này.
Cùng ngày, đoàn công tác cũng đã đến thăm và làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Gambia (GCCI). Trong trao đổi, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội đầu tư và phát triển thương mại tại thị trường của nhau; đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển thương mại song phương như: hai nước cần sớm đàm phán và ký kết một số hiệp định hợp tác về thương mại, đầu tư để tạo điều kiều kiện cho doanh nghiệp hai nước hoạt động; thường xuyên trao đổi đoàn công tác các cấp, nhất là các đoàn doanh nghiệp; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và GCCI cần ký kết một thỏa thuận hợp tác cụ thể nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hỗ trợ doanh nghiệp hai nước trong hoạt động kinh doanh tại thị trường của nhau và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tham gia các triển lãm quốc tế tổ chức tại mỗi nước; ngoài ra, các doanh nghiệp hai bên cũng cần tăng cường chủ động liên hệ với các Đại sứ quán, Thương vụ cũng như các cơ quan xúc tiến thương mại hai nước để tìm kiếm thông tin và cơ hội đầu tư tại hai nước.
Cũng tại buổi làm việc, Tham tán thương mại Hoàng Đức Nhuận đã giới thiệu tổng quan về tình hình phát triển kinh tế và thương mại của Việt Nam trong thời gian qua cũng như các lĩnh vực thế mạnh mà cả hai bên có thể tăng cường thúc đẩy đầu tư trong thời gian tới; cung cấp cho phía Gambia danh sách các doanh nghiệp xuất nhập khẩu uy tín của Việt Nam, các Hiệp hội và ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, danh sách các hội chợ quốc tế sắp tổ chức trong năm 2019 và “Cẩm nang kinh doanh tại thị trường Việt Nam”.
Theo Tham tán Hoàng Đức Nhuận, mặc dù Gambia là một thị trường không lớn nhưng có vị trí khá quan trọng vì Gambia có cảng biển Banjul, rất thuận lợi trong việc nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước cũng như tái xuất sang các nước lân cận, nhất là Senegal.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm Gambia sẵn sàng phối họp với GCCI để chia sẻ thông tin thị trường cũng như giúp đỡ doanh nghiệp hai nước tăng cường phát triển đầu tư thương mại tại thị trường hai nước.
Giám đốc điều hành GCCI Alieu Secka đánh giá cao việc đoàn Đại sứ quán Việt Nam tới thăm làm việc với bạn, bày tỏ sẵn sàng thiết lập quan hệ với VCCI và phối hợp với phía Việt Nam để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước, mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tích cực tham gia thị trường Gambia.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch hai chiều Việt Nam - Gambia năm 2017 đạt 24 triệu USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu từ Gambia khoảng 20 triệu USD, chủ yếu là hạt điều thô, bông, gỗ.
Trong khi đó, Gambia chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm chính như hạt tiêu, phân bón, hàng dệt may… Đến năm 2018, kim ngạch song phương giảm xuống còn 11 triệu USD, nguyên nhân do phía Việt Nam giảm lượng nhập khẩu hạt điều thô từ Gambia.