Kể từ khi phát hiện ca mắc bệnh tay chân miệng đầu tiên vào ngày 10/4 đến nay, tỉnh Nam Định đã ghi nhận gần 190 ca bệnh tại 99/229 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thành phố trên địa bàn. Với 51 bệnh nhi, thành phố Nam Định là địa phương có số ca mắc nhiều nhất trong tỉnh.
Khám bệnh cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi tỉnh Nam Định. Ảnh: baonamdinh.com.vn |
Nhằm khống chế không để tay chân miệng bùng phát, giảm tỷ lệ ca mắc và hạn chế thấp nhất tử vong do bệnh dịch này gây ra, Sở Y tế tỉnh Nam Định đã tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống; trong đó, tập trung các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chéo, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế, tổ chức tốt hoạt động phân tuyến điều trị...
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn trung tâm y tế các địa phương giám sát chặt chẽ diễn biến bệnh tay chân miệng trên địa bàn, kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch triệt để. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tập huấn và tập huấn lại cho nhân viên y tế trong hệ thống giám sát dịch; hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho trung tâm y tế các huyện, thành phố trong giám sát, xử lý ổ dịch; tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm xác định virút gây bệnh và đảm bảo nhân lực, cơ số hóa chất, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát phát hiện sớm ca tay chân miệng tại cộng đồng và các cơ sở y tế trên địa bàn để thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh; chú trọng điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm xác định mầm bệnh, phân công các đội phòng chống dịch cơ động thường trực sẵn sàng triển khai xử lý ổ dịch. Công tác tuyên truyền cho cộng đồng về cách phòng, chống dịch tay chân miệng cũng được chú trọng, đặc biệt là truyền thông trực tiếp.