Tân Kỳ - nông thôn mới đang dần rõ nét

Mô hình nông thôn mới ở xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) đang hiện lên ngày càng rõ nét. Những con đường được trải bê tông thẳng tắp, xanh, sạch, đẹp; nhiều công trình xây dựng phục vụ dân sinh, nhà dân khang trang, to đẹp hơn. Đặc biệt, tình hình an ninh, trật tự, tình làng nghĩa xóm ngày càng được củng cố, bền chặt.

Chủ tịch UBND xã Tân Kỳ Nguyễn Thế Phương cho biết: Xã bắt đầu xây dựng nông thôn mới từ năm 2003 và đến năm 2005 thì chính thức được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hải Dương. Năm 2006, xã tiến hành xây dựng đồ án chi tiết quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đến năm 2020. Trong đó, tập trung ở các hạng mục quy hoạch sử dụng đất, hệ thống điện, giao thông, xây dựng trung tâm xã, cảnh quan môi trường... Năm 2009, Chính phủ ban hành bộ tiêu chí về nông thôn mới. Sau 5 năm thực hiện xây dựng, đến nay, xã đã đạt được 12 trong tổng số 19 tiêu chí và 25 trong tổng số 37 nội dung, đạt gần 68%. Trong đó, các tiêu chí đã đạt được theo yêu cầu: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh, điện, trường học, tỷ lệ nhà văn hóa và khu thể thao thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, trạm y tế chuẩn quốc gia, số làng văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, an ninh, trật tự xã hội.

Xã An Thanh, thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) hiện có 400 gia đình làm nghề dệt chiếu cói truyền thống; doanh thu hàng năm khoảng 8 tỷ đồng; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Trong ảnh: Dệt chiếu cói ở gia đình anh Phạm Xuân Tiến. Ảnh: Trần Tuấn- TTXVN


Đạt được 12/19 tiêu chí trên, những năm qua, xã Tân Kỳ đã đầu tư gần 14 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã đạt 13,29%/năm. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ, thương mại là 43,09% - 27,4% - 29,51%. Bình quân thu nhập của người dân đạt hơn 11 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 4%. Đảng bộ, chính quyền xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch, chuyển dịch được hơn 72 ha đất trũng sang mô hình kinh tế VAC (vườn, ao, chuồng). Đổi mới cơ cấu trà lúa, giống lúa theo hướng tăng diện tích rau màu xen vụ, diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao. Quy hoạch các khu đồng tập trung với diện tích 145 ha cho thu nhập cao, bình quân đạt hơn 80 triệu đồng/ha/năm (thâm canh 1 vụ lúa, 3 vụ màu). Xây dựng vùng trồng rau an toàn, mỗi năm sản xuất hơn 2.000 tấn. Duy trì, phát triển làng nghề thêu, ren ở thôn Nghi Khê, tạo việc làm cho hơn 900 lao động lúc nông nhàn.

Sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục và xã hội của xã luôn được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo. Trường mầm non và tiểu học của xã Tân Kỳ đã đạt chuẩn quốc gia. Hai thôn Nghi Khê và Ngọc Lâm của xã đều đạt danh hiệu Làng Văn hóa. Hàng năm, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa chiếm hơn 93% số hộ. Công tác quốc phòng, an ninh thực hiện tốt. Toàn xã có hơn 93% số hộ gia đình đạt tiêu chí gia đình an toàn về an ninh trật tự; 100% số làng đạt danh hiệu làng an toàn về an ninh trật tự. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được coi trọng. Xã được công nhận là cộng đồng an toàn đầu tiên của huyện Tứ Kỳ.

Những thành công trong xây dựng nông thôn mới của Tân Kỳ là do Đảng bộ, chính quyền xã tổ chức tốt qui chế dân chủ cơ sở. Cùng với sự đầu tư của tỉnh, huyện, xã đã huy động nhân dân đóng góp xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng cơ sở, vừa phục vụ tốt sản xuất và đời sống, vừa tạo nên diện mạo cho vùng nông thôn mới, trở thành một điểm sáng của huyện Tứ Kỳ.

Nguyễn Cường - Danh Trung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN