Khi đó, sản phẩm “made in Viet Nam” sẽ được tiếp cận thị trường EU, một trong những thị trường chủ chốt và thị trường châu Á Thái Bình Dương với mức thuế ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh. Nhưng để tận dụng được những lợi thế này, các doanh nghiệp ở những ngành này cần phải khắc phục một số điểm yếu nội tại.
Nhiều cơ hội cho dệt may, da giày
Theo Bộ Công Thương, năm 2018 dệt may luôn duy trì phong độ và là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp, tiếp tục tăng với tốc độ cao nhất. Xuất khẩu dệt may tập trung chủ yếu vào các thị trường trọng điểm như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khối hiệp định CPTPP. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dệt may tương đối thuận lợi vì đơn hàng dồi dào suốt trong năm 2018. Điều đáng nói, thị trường xuất khẩu tiềm năng là Mỹ vẫn đang nhập khẩu một lượng lớn hàng từ Việt Nam.
Với ngành da giày, hoạt động xuất khẩu của ngành này cũng đang tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu tốt trong tháng cuối năm 2018 và năm 2019.
Bộ Công Thương cũng nhận định, việc ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP… chính là cơ hội thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng da giày sang các thị trường châu Âu và khối CPTPP. Theo đó, dòng vốn đầu tư vào dệt may và da giày sẽ tăng cao do tiềm năng lớn nhờ hiệu ứng của các FTA và bản thân Việt Nam có nhiều lợi thế về sản xuất. Căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung cũng có thể dẫn đến việc dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, dù chưa chắc chắn.
Bên cạnh những cơ hội và triển vọng, theo Bộ Công Thương, một trong những thách thức lĩnh vực dệt may và da giày đang gặp phải, đó là, chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như: lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước. Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ ở nhiều ngành nghề tác động đến các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may. Ngoài ra, còn có rủi ro từ việc Mỹ sẽ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm may mặc nhập khẩu từ các quốc gia khác và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm may mặc từ quốc gia đó có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc.
Từ những khó khăn trên, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp trong ngành nên tăng cường chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước và các nước khác, thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc, chủ động ứng phó hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới...
Ngành gỗ được hưởng lợi
Bên cạnh dệt may, da giày, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng được xem là cơ hội lớn cho ngành sản xuất gỗ Việt Nam gia tăng số lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho rằng, năm 2019 sẽ là thời điểm đột phá của ngành công nghiệp đồ gỗ và nội thất Việt Nam, trở thành ngành mũi nhọn và hướng tới sự hình thành trung tâm gỗ - nội thất của thế giới tại Việt Nam. Việt Nam sẽ trở thành công xưởng lớn để thiết kế và sản xuất đồ gỗ tốt nhất cho thế giới, từng bước chiếm lĩnh khâu cuối cùng của chuỗi cung ứng và xây dựng thương mại cho ngành phân phối đồ nội thất trên thế giới.
Ông Tim Liston, Phó Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam khẳng định, với tình hình leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, cơ hội cho hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ cũng như chiều giao thương ngược lại đều rất tốt. Chỉ cần nắm được các nguyên tắc khi làm ăn tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành chế biến gỗ nói riêng chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế bởi ngoài vị trí địa lý tương đồng, Việt Nam còn có nhiều thế mạnh đến từ các hiệp định thương mại của khu vực. Bởi Mỹ đang mở rộng cửa cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường.
Bên cạnh đó, hai hiệp định EVFTA và CPTPP sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất thay đổi định hướng cơ cấu thị trường xuất khẩu trong thời gian tới. Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, EVFTA hay CPTPP sẽ mở đường cho sản phẩm Việt Nam hiện diện sâu vào những thị trường tham gia hiệp định như Canada, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Mexico, Chile…
Ông Tuấn nhận định, nội lực công nghiệp đồ gỗ và nội thất Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Việt Nam sẽ nỗ lực trong 7 – 8 năm nữa trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu đồ nội thất, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho hay ngành gỗ Trung Quốc vốn không còn được Chính phủ chủ trương ưu ái phát triển. Việc vướng phải những rào cản thương mại từ thị trường Mỹ cũng khiến quốc gia đứng đầu xuất khẩu sản phẩm gỗ thế giới mất dần lợi thế sang Việt Nam.
Hiện tại một số doanh nghiệp ngành gỗ trong nước cho biết đã nhìn thấy sự dịch chuyển các đơn hàng từ Mỹ về Việt Nam. Ông Vương Đình Sắc, Giám đốc Công ty Thiên Thương (TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Hiện tại thị trường châu Âu chưa thấy rõ sự thay đổi nhưng thị trường Mỹ đã có sự thay đổi, những đơn hàng thủ công mỹ nghệ trước đây Mỹ nhập từ Trung Quốc thì nay chuyển qua doanh nghiệp Việt để đặt theo tiêu chuẩn của họ. Ví dụ chúng tôi đang sản xuất các sản phẩm nội thất thì khách hàng có thể đặt những sản phẩm đồ chơi… đó cũng hướng dịch chuyển mới của khách hàng".
Các chuyên gia cho rằng cơ hội càng nhiều, áp lực càng lớn. Bạn bè quốc tế sẽ chú ý đến ngành gỗ của Việt Nam và việc họ đặt ra những rào cản là khó tránh khỏi. Đặc biệt, nếu không quản lý được nguồn gốc của nguyên liệu gỗ thì sẽ là một bất lợi lớn. Do đó, nếu ngành gỗ quyết tâm nói không với gỗ bất hợp pháp, thực hiện nghiêm túc Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU, đồng hành cùng người tiêu dùng trong chiến dịch bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững, cơ hội thị trường sẽ còn lớn hơn nữa.
Trong số 4.500 doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ, hơn 93% là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Sản xuất nhỏ lẻ lâu nay vẫn là tồn tại của Việt Nam, khiến sự phát triển của ngành đồ gỗ chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC), các doanh nghiệp đồ gỗ ở Việt Nam có thế mạnh về sản xuất lớn nhưng chưa đầu tư mạnh vào thương mại.
Ông Trai cho biết cho biết thêm, nếu như tổng giá trị trong chuỗi sản xuất đồ gỗ trên thế giới là khoảng 140 tỷ USD, giá trị hàng hóa tiêu dùng của người sử dụng hơn 450 tỷ USD, bao gồm giá trị thương mại, thiết kế, phân phối, thương hiệu. Nếu định hướng lại câu chuyện của ngành chế biến gỗ, tham gia cả khâu thiết kế, thương hiệu, thương mại, phân phối… thì rõ ràng, giá trị mà Việt Nam nhận được so với hiện tại sẽ rất lớn.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Liêm, Công ty gỗ Lâm Việt (Bình Dương) cũng cho rằng, thực tế lâu nay các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ ra thế giới gọi là “mua đứt bán đoạn” nhưng toàn bộ thiết kế là của khách hàng. Không phải khi gia nhập CPTPP chúng ta mới nghĩ tới vấn đề thiết kế mà điều này cần phải được quan tâm từ lâu. Bởi nếu các doanh nghiệp chỉ làm gia công theo thiết kế khách hàng, giá trị gia tăng mà doanh nghiệp nhận lại cực kỳ thấp. Khó khăn gặp phải là lực lượng thiết kế trong nước còn mỏng, chưa am hiểu thị trường quốc tế nên hiện tại một số doanh nghiệp trong nước đã tìm cách liên kết, liên doanh với các công ty của Mỹ, Australia… cùng tham gia thiết kế và bán hàng để nâng cao giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, về lâu dài các doanh nghiệp phải tính đến bài toán về mẫu mã, sở hữu thiết kế, xây dựng lực lượng thiết kế từ lực lượng sinh viên bằng cách liên kết với các trường đại học có ngành thiết kế mỹ thuật…