Cơ quan an toàn hàng hải Australia (AMSA) ngày 25/3 thông báo tạm ngừng công tác tìm kiếm máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines ở khu vực Nam Ấn Độ Dương vì điều kiện thời tiết không thuận lợi, gió mạnh, mưa nhiều và sóng lớn; đồng thời chuyển sang giai đoạn điều tra.
Thông báo nêu rõ: "AMSA đã tiến hành đánh giá nguy cơ và quyết định rằng các điều kiện thời tiết hiện nay có thể khiến mọi hoạt động tìm kiếm trên không và trên biển trở nên khó khăn và nguy hiểm đối với đội tìm kiếm cứu hộ". Theo thông cáo trên, tại khu vực tìm kiếm những ngày qua, hiện đang có gió mạnh với vận tốc 80km/h, cùng với mưa lớn và mây thấp tới mức cách mặt biển 60m, trong khi sóng cồn cao tới 4m.
AMSA nêu rõ: "Các hoạt động tìm kiếm dự kiến sẽ được nối lại vào ngày mai (26/3) nếu điều kiện thời tiết cho phép".
Trong một thông cáo báo chí cùng ngày, Thủ tướng Australia Tony Abbott cho biết Australia sẽ tiếp tục giúp đỡ, hợp tác và cung cấp các trợ giúp cần thiết cho giai đoạn điều tra nhằm làm rõ nguyên nhân vụ mất tích kỳ bí này. Ông cũng bày tỏ chia buồn với thân nhân của các hành khách đi trên chuyến bay xấu số MH370.
Máy bay Australia quay trở về căn cứ sau khi tham gia tìm kiếm máy bay mất tích, ngày 24/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thông báo ngừng tìm kiếm của AMSA được đưa ra sau khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak tổ chức họp báo cuối ngày 24/3 cho biết các chuyên gia điều tra đã đi đến kết luận rằng máy bay mang số hiệu MH370 của MAS đã rơi xuống vùng biển Nam Ấn Độ Dương và không ai trong số hành khách và phi hành đoàn sống sót. Theo Thủ tướng Najib Razak, các phân tích dữ liệu của công ty vệ tinh Inmasat của Anh cho thấy máy bay MH370 đã bay dọc hành lang phía Nam và vị trí cuối cùng của nó là ở giữa Ấn Độ Dương, phía Tây của thành phố Perth, thủ phủ bang Tây Australia. Vị trí này không gần bất cứ một địa điểm nào có thể hạ cánh và máy bay sẽ hết nhiên liệu khi đang ở giữa đại dương.
Phản ứng về kết luận trên, cùng ngày, phía Mỹ cho rằng chưa có "bằng chứng độc lập" để tin rằng máy bay mất tích mang số hiệu MH370 của MAS rơi xuống Nam Ấn Độ Dương. Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Najib Razak tuyên bố về vụ tai nạn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết "chưa có lý do nào để tin rằng đây không phải sự thật, nhưng cũng chưa có bằng chứng độc lập nào để khẳng định kết luận trên". Bà Harf nói thêm Washington đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Malaysia. Trước đó, quân đội Mỹ đã gửi một thiết bị định vị hộp đen và một robot tìm kiếm dưới đáy biển tới Ấn Độ Dương để giúp tìm máy bay của Malaysia.
Tuy nhiên, trong một diễn biến liên quan, cơ quan điều tra và phân tích (BEA) của Pháp cho rằng còn quá sớm để bắt đầu một cuộc tìm kiếm dưới đáy đại dương để tìm các mảnh vỡ của máy bay mất tích được kết luận là đã rơi xuống biển. BEA đã cử ba điều tra viên đến Kuala Lumpur từ ngày 16/3 để tham gia quá trình tìm kiếm máy bay trên. Các chuyên gia này cho rằng các khu vực biển quá rộng nên hiện chưa thể tính đến việc tìm kiếm dưới đáy biển. Một cuộc tìm kiếm như vậy chỉ nên bắt đầu khi nào có thể xác định được một khu vực tìm kiếm hẹp hơn. Ba điều tra viên của BEA đã trở về Pháp.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Hàng Sinh cho biết nước này đã yêu cầu Malaysia cung cấp tất cả các thông tin và bằng chứng mà dựa vào đó họ kết luận rằng máy bay MH370 rơi xuống Ấn Độ Dương. Trong khi đó, Cục Hàng hải Trung Quốc cho biết sẽ cử thêm tàu tới vùng biển Nam Ấn Độ Dương để tìm kiếm máy bay mất tích. Đến nay, Trung Quốc đã cử 6 tàu tới khu vực này trong khi 2 máy bay IL-76 của nước này cũng tham gia lùng sục rất kỹ vùng biển sóng dữ này trong những ngày qua.
TTXVN/Tin tức