Tai nạn giao thông nghiêm trọng giảm

Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG), dịp Tết Nguyên đán năm nay, tai nạn giao thông giảm cả 3 mặt: Số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm trước. Nhiều biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đã phát huy hiệu quả.


Nhiều biện pháp đảm bảo an toàn giao thông


Chuyện tàu xe ngày Tết năm nay đã không còn là nỗi ám ảnh với mỗi người. Theo đánh giá của ngành giao thông, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến, đó là sáng kiến hoán đổi ngày làm việc để giảm áp lực giao thông. Chủ trương nghỉ Tết Giáp Ngọ trước 3 ngày của Chính phủ đã giúp kéo giãn mật độ phương tiện lưu thông trên mọi nẻo đường, giảm áp lực vận tải hành khách và cũng nhờ đó, tình hình an ninh trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định, thông suốt.

 

Giao thông Hà Nội sau Tết trên nhiều tuyến phố chậm nhưng không ùn tắc.


Theo đánh giá của Ủy ban ATGTQG, dịp Tết Nguyên đán năm nay, tai nạn giao thông giảm cả 3 mặt: số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 ngày nghỉ Tết, toàn quốc xảy ra 338 vụ tai nạn giao thông, làm chết 286 người, bị thương 324 người. So với 9 ngày Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 giảm: 60 vụ, 50 người chết, 41 người bị thương. Va chạm giao thông xảy ra 260 vụ, làm bị thương 302 người. Tai nạn chủ yếu xảy ra trên tuyến đường bộ, không có nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng như mọi năm.


Trong đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hoạt động vận tải phục vụ Tết, các lực lượng công an, thanh tra giao thông và doanh nghiệp vận tải đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn. Ngày mùng 4 và mùng 5 Tết, người dân ở các tỉnh bắt đầu quay trở lại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sau những ngày nghỉ Tết cùng gia đình. Trên các tuyến quốc lộ lớn 1, 1B, 5…, phương tiện lưu thông khá dày; tại các bến xe, xe khách liên tục nối đuôi nhau vào bến trả khách, song không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.


Một điểm ấn tượng nữa là trong cả 9 ngày nghỉ Tết, kể cả các ngày cao điểm trước và sau Tết, cả nước không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe khách và xe tải gây ra. Đây chính là kết quả của sự vào cuộc đồng bộ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, thực hiện chủ đề Năm an toàn giao thông “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng xe”. Việc công khai 17 số điện thoại đường dây nóng bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Ủy ban ATGTQG đã mang lại hiệu quả tích cực.

Đây là năm thứ hai, Ủy ban ATGTQG thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông dịp Tết và đã nhận được gần 800 lượt phản ánh, tập trung vào các ngày cao điểm từ 28 - 29/1 và từ ngày 3 - 5/2. Nhiều trường hợp nhà xe tăng giá vé quá cao so với quy định, xe chở quá số người quy định, nhồi nhét và chèn ép hành khách được phản ánh đến đường dây nóng đã được chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý phạt tiền, tước phù hiệu xe, tạm đình chỉ kinh doanh, san tải, nhiều nhà xe phải xin lỗi hành khách…


Đề phòng tai nạn ở nông thôn


Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt trong dịp nghỉ Tết đã kiểm tra, xử lý trên 28.800 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 22 xe ô tô và trên 7.500 xe mô tô. Nếu như tại Hà Nội, tai nạn giao thông giảm cả 3 mặt: số vụ (giảm 3 vụ), số người chết (giảm 1 người), số người bị thương (giảm 4 người), thì tại Thành phố Hồ Chí Minh, tai nạn giao thông tăng cả 3 mặt: tăng 5 vụ, 1 người chết và 8 người bị thương.


Mặc dù các cơ quan chức năng kiểm soát khá gắt gao, tình trạng tăng giá vé ô tô quá mức quy định còn diễn ra, nhiều tuyến tăng từ 100 - 150% giá vé; tình trạng nhồi nhét khách, chở quá số người quy định còn phổ biến, một số tuyến quốc lộ còn xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài như đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và các tuyến ra, vào Thành phố Hồ Chí Minh.


Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG, dịp Tết năm nay, số vụ, số người chết và số người bị thương vẫn còn ở mức cao, chủ yếu là tai nạn xe mô tô và xảy ra nhiều ở khu vực nông thôn. Nguyên nhân là do người điều khiển xe máy chủ quan, bất cẩn, vi phạm quy tắc giao thông như: Không đội mũ bảo hiểm, chở 3, chở 4 người, chạy quá tốc độ, vi phạm quy định về nồng độ cồn, nhất là trên đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã.


Thực tế tên cho thấy, ý thức của người tham gia giao thông ở nông thôn và sự quan tâm của chính quyền địa phương còn chưa tốt. Tình hình giao thông sẽ còn diễn biến phức tạp khi các lễ hội sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trong tháng Giêng này. Do đó, theo Ủy ban ATGTQG, cần tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt để đảm bảo an toàn giao thông trong dịp lễ hội.


Bài và ảnh: Hiếu Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN