Sức sống của thương hiệu Việt nhìn từ “xe đạp Thống Nhất”

Đường phố Hà Nội bây giờ nườm nượp các loại ô tô, xe máy từ bình dân đến đắt tiền nhưng thương hiệu “xe đạp Thống Nhất” vẫn có chỗ đứng trong lòng nhiều người dân Hà Nội. “Xe đạp Thống Nhất” không chỉ là thương hiệu gắn với lịch sử hình thành và phát triển của một doanh nghiệp mà còn gắn với lịch sử phát triển của mảnh đất và con người Thủ đô.

Những thăng trầm của thương hiệu hơn 50 năm tuổi

Trong ký ức của một thế hệ người lớn tuổi ở Hà Nội, xe đạp Thống Nhất nhắc nhở họ rất nhiều về một thời kỳ lịch sử gian khổ nhưng hào hùng và khó quên. Vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, khi chiến tranh phá hoại của địch đang diễn ra ác liệt tại miền Bắc, ở Hà Nội, xe đạp Thống Nhất vừa là phương tiện, vừa là tài sản quý giá để người dân đèo hàng, tiếp tế lương thực thực phẩm cho gia đình ở nơi sơ tán, để đi công tác, đi thăm họ hàng, bạn bè... Tuy nhiên, khi đời sống kinh tế phát triển hơn, xe đạp dần bị thay thế bởi xe máy, ô tô... thì việc duy trì và phát triển thương hiệu xe đạp Thống Nhất trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Trong cuộc gặp gỡ với chúng tôi nhân ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4/2012), Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thống Nhất Nguyễn Hữu Sơn (ảnh nhỏ) đã tâm sự về những thăng trầm của thương hiệu xe đạp Thống Nhất: “Thống Nhất đã từng có thời kỳ hoàng kim khi được sở hữu một chiếc xe đạp Thống Nhất là niềm mơ ước của nhiều người dân. Nhưng, khi xe đạp Trung Quốc tràn ngập, làm mưa làm gió trên thị trường và lại đến thời kỳ xe máy “lên ngôi” thì việc duy trì sức sống cho thương hiệu xe đạp Thống Nhất ngày càng trở nên hết sức khó khăn”.

Dây chuyền lắp ráp xe đạp Thống Nhất.


Trong những giai đoạn khó khăn, xe đạp Thống Nhất mặc dù là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất xe đạp cũng đã phải chịu nhiều sức ép từ phía xã hội và phía nội bộ doanh nghiệp về việc bỏ nghề sản xuất xe đạp. Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Sơn cho biết, ông đã từng nhận được nhiều lời góp ý rằng “Thời buổi này, ai còn đi xe đạp nữa mà các ông cứ loay hoay sản xuất xe đạp”. Nhiều người thậm chí nói thẳng: “Xe đạp Việt Nam làm sao mà cạnh tranh được với xe đạp Trung Quốc”... “Đi hội họp với các bộ, ngành, trong khi các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy... thì ngồi ở hàng ghế trên, hùng hồn phát biểu, cam kết về tăng trưởng, doanh số... thì lãnh đạo của xe đạp Thống Nhất, vì biết thân, biết phận nên lúc nào cũng chỉ khiêm nhường ngồi ở những vị trí khiêm tốn...”, ông Nguyễn Hữu Sơn thực thà tâm sự.

Nhưng, ban lãnh đạo của công ty qua các thời kỳ vẫn quyết giữ nghề sản xuất xe đạp bởi vì họ không muốn đánh mất một thương hiệu từng là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Ông Nguyễn Hữu Sơn khẳng định: “Thương hiệu xe đạpThống Nhất có giá trị sâu sắc vì gắn với lịch sử phát triển của đất nước. Nhưng, nếu chỉ nhìn về quá khứ thì chưa đủ. Để thương hiệu có thể tồn tại và phát triển, chúng tôi luôn xác định phải đáp ứng được các nhu cầu của người tiêu dùng về giá cả, chất lượng, mẫu mã. Sản phẩm phải có sức cạnh tranh trên thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng thì thương hiệu mới được khẳng định”.

Với quyết tâm xây dựng và củng cố thương hiệu xe đạp Thống Nhất, ban lãnh đạo công ty đã tập trung đổi mới công nghệ sản xuất phụ tùng, xe đạp hiện đại nhằm rút ngắn khoảng cách về công nghệ so với sản phẩm nhập ngoại. Chỉ tính riêng trong vài năm gần đây, công ty đã mạnh tay chi hàng triệu USD mua sắm thiết bị, công nghệ từ châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Đến nay, công ty đã có hai nhà máy, một tại Thanh Liệt (Thanh Trì) và một tại Cầu Diễn (Từ Liêm - Hà Nội) được đầu tư mới, trang bị đồng bộ các hệ thống thiết bị, công nghệ cho phép sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đến nay, xe đạp Thống Nhất không những đã củng cố và duy trì được vị thế đứng đầu về sản xuất, kinh doanh xe đạp trên thị trường trong nước mà còn củng cố và từng bước tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm của xe đạp Thống Nhất đã có mặt khắp các thị trường khó tính nước ngoài như Mỹ, EU, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan, Malaixia, Xinhgapo... Thống Nhất nhiều lần được công nhận là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín. Tại thị trường trong nước, trong mấy năm trở lại đây, các loại xe đạp địa hình, xe đạp thể thao - thời trang, xe đạp dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên và người thành thị, xe đạp không xích, các loại xe đạp điện và xe đạp chuyên dụng cho người nông thôn, miền núi… cũng đã có sức cạnh tranh rất lớn với các sản phẩm nhập ngoại ở thị trường nội địa.

Để mọi người dân “Nghĩ đến xe đạp là nghĩ về Thống Nhất”

Tuy khẳng định được vị trí là doanh nghiệp sản xuất xe đạp hàng đầu Việt Nam nhưng theo Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Sơn, để hiện thực hóa slogan “Nghĩ đến xe đạp là nghĩ về Thống Nhất” thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Xe đạp Việt Nam dù xuất khẩu đi nhiều nước nhưng vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp cho các thương hiệu của nước ngoài. Thương hiệu xe đạp Việt Nam vẫn chưa có được sự tin tưởng so với các nước. “Tôi rất buồn khi các thành viên đội tuyển xe đạp Việt Nam vẫn phải mượn xe đạp của Thái Lan... để thi đấu. Điều này cho thấy, trình độ sản xuất xe đạp của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề. Ở các nước, có những loại xe đạp đắt hơn cả xe máy, thậm chí đắt ngang với ô tô. Nhưng ở Việt Nam, người dân vẫn chỉ coi xe đạp là loại phương tiện giá rẻ và không sử dụng thường xuyên”, ông Nguyễn Hữu Sơn trăn trở.

Nhưng, điều ông Sơn trăn trở hơn cả là những chính sách của Nhà nước cho việc phát triển xe đạp ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Càng nổi tiếng, thương hiệu xe đạp Thống Nhất càng phải rất vất vả để đấu tranh với hàng giả, hàng nhái. Đã từng có chuyện, một chương trình từ thiện (được quảng bá trên tivi) nhưng sản phẩm làm từ thiện là xe đạp giả mạo Thống Nhất. “Vấn nạn hàng giả hàng nhái ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của doanh nghiệp. Nhưng, chế tài xử lý việc sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn chưa đủ sức răn đe”, ông Sơn nhận xét. Các chính sách phát triển giao thông hiện nay cũng vẫn chưa quan tâm đến xe đạp. Nhiều tuyến đường thậm chí không có làn đường dành riêng cho xe đạp. “Bản thân tôi cũng sử dụng xe đạp, nhưng mỗi khi đi xe đạp chung làn đường với xe máy thì thấy thực sự nguy hiểm”... Bên cạnh đó, hiện nay, mặc dù là doanh nghiệp sản xuất xe đạp hàng đầu Việt Nam, nhưng công ty vẫn đang phải sản xuất thêm cả tủ văn phòng, đồ dùng văn phòng để lấy lợi nhuận, từ đó bù lỗ và có thêm nguồn lực để đầu tư cho ngành nghề sản xuất xe đạp.

Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Sơn, không phải là không có những hy vọng cho tương lai của xe đạp nói chung và xe đạp Thống Nhất nói riêng. Hiện nay, người dân trên thế giới có xu hướng sử dụng xe đạp nhiều hơn. Đây là loại phương tiện giao thông không tiêu tốn nhiên liệu, thân thiện với môi trường, tăng cường sức khỏe và thể lực cho người sử dụng... Thậm chí, xe đạp được coi là biểu hiện của xã hội văn minh. Ở Việt Nam, nhu cầu xe đạp của người dân cũng đang dần tăng lên. Xe đạp không chỉ phục vụ cho đi lại mà còn cho các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao...

Là người có rất nhiều ước mơ và hoài bão cho sự phát triển của xe đạp Việt Nam nói chung và xe đạp Thống Nhất nói riêng, Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Sơn hy vọng, khi người dân quan tâm hơn đến môi trường, thì việc sử dụng xe đạp cũng sẽ trở nên phổ biến hơn. “Tôi vẫn luôn ước mơ đến một ngày, những chiếc xe đạp Thống Nhất sẽ lại ngược xuôi trên các đường phố Hà Nội và những con đường ở Việt Nam, để Hà Nội và nhiều nơi sẽ xanh hơn, sạch hơn và bình yên hơn”, ông Sơn bày tỏ.

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN