Cuộc chiến chống các tay súng thuộc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tiếp tục đặt ra những thách thức đối với liên quân quốc tế do Mỹ cầm đầu. Đúng thời điểm nhạy cảm này, vụ bắt cóc con tin tại Sydney (Australia) đậm chất Hồi giáo cực đoan cho thấy sức nóng từ chảo lửa Trung Đông đang lan tỏa, kích động những “con sói đơn độc” ẩn nấp đâu đó đi theo lời hiệu triệu của IS.
Sắc màu đơn độcĐộng cơ của kẻ bắt giữ con tin tại Sydney vẫn là một bí ẩn và hắn được mô tả là một kẻ tâm thần, hành động một cách ngẫu nhiên. Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, các nhà phân tích cho rằng tay súng này là hình mẫu tiêu biểu của một dạng “sói đơn độc”, chịu ảnh hưởng từ chiến lược tuyên truyền của IS.
Vụ khống chế con tin tại Sydney gây thêm sức ép cho cuộc chiến chống IS. |
Mang cờ đen của những kẻ thánh chiến, người đàn ông Hồi giáo gốc Iran Man Haron Monis 49 tuổi này đã một mình thực hiện một vụ tấn công mang dáng dấp của IS. Mặc dù chưa tìm ra bất kỳ mối liên hệ nào giữa tay súng này với một nhóm cụ thể, song hàng loạt các tiếng nổ lớn và chớp lửa khi cảnh sát tấn công vào bên trong quán cà phê khiến hai người và kẻ bắt con tin thiệt mạng đã làm cả Australia ngày càng cảm nhận rõ mối đe dọa từ những “con sói đơn độc” này.
Matthew Henman, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố và nổi dậy của IHS Jane’s ở London, nói: “Điều then chốt trong các vụ tấn công này không phải là gây ra nhiều thương vong, mà là thu hút giới truyền thông, khiến mọi người chú ý tới và bàn tán về nó. Mỗi khi một vụ việc như vậy xảy ra, thậm chí nếu không có thương vong, nó vẫn là một thắng lợi về mặt tuyên truyền cho IS; bởi chúng có thể nói rằng chúng có người ở khắp mọi nơi trên thế giới - những người sẵn sàng hành động nhân danh chúng”.
Lực lượng IS đang chiếm giữ một khu vực rộng lớn ở Iraq và Syria, đã khiến thế giới rúng động với những vụ hành quyết con tin man rợ, các tội ác phi nhân tính, chống lại loài người. Các thủ lĩnh của lực lượng này đã kêu gọi các phần tử thánh chiến tự thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào “những kẻ không có đức tin”. Điều này đã gây ra một “cơn ác mộng” đối với các chính quyền phương Tây vốn đang phải bận rộn ngăn chặn công dân của mình rời đất nước để gia nhập IS và phải theo dõi họ khi họ trở về. Phát ngôn viên của IS, Abu Muhammad al-Adnani, tháng 9 vừa qua, đã nhắc tới Australia, cùng với Pháp, Canada và Mỹ trong lời kêu gọi sát hại “những kẻ không có đức tin… bao gồm công dân của các nước gia nhập liên minh chống IS”.
Thách thức chồng thách thứcSau ngày 11/9/2001, khái niệm về khủng bố được hiểu là một nhóm người có tư tưởng cực đoan, thường là theo đạo Hồi, tập hợp với nhau và được huấn luyện cách sử dụng bom, chất nổ… nhằm mục đích thánh chiến, gây phương hại tới các lợi ích của Mỹ và phương Tây, không quan tâm tới tính mạng dân thường. Tuy nhiên, hơn một thập kỷ sau, bức tranh đã thay đổi. Chủ nghĩa khủng bố đã khoác lên mình một bộ mặt mới đáng sợ hơn - đó là những cá nhân theo chủ nghĩa cực đoan, phân biệt chủng tộc, âm thầm sống trong một môi trường chung và có khả năng hành động đơn lẻ. Từ đây xuất hiện cụm từ “chủ nghĩa khủng bố đơn lẻ” - mà những kẻ theo chủ nghĩa này được ví von với hình ảnh của “những con sói đơn độc”.
Hiện số các vụ tấn công mà kẻ thực hiện hành động một mình đang “gia tăng đáng kể” trong năm qua, cùng lúc IS đang gây ra sự khiếp sợ trên toàn thế giới. - Tháng 5/2014, một người Pháp từng có hơn một năm chiến đấu trong hàng ngũ những kẻ Hồi giáo cực đoan ở Syria đã giết hại 4 người trong Bảo tàng Do thái ở Brussels.
- Tháng 9, Australia đã chặn đứng âm mưu thực hiện các vụ chặt đầu ngay tại quốc gia này của những kẻ thánh chiến thuộc IS và một tay súng bị tình nghi đã bị bắn chết sau khi tấn công đâm hai cảnh sát.
- Tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên một vụ tấn công của những kẻ thánh chiến được thực hiện thành công trên đất Canada - trong đó có vụ nổ súng sát tòa nhà Quốc hội - khiến hai binh sỹ không có vũ trang thiệt mạng. |
Thực tế này đang đặt Mỹ đứng trước những lựa chọn khó khăn. Những cái đầu lạnh tại Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đang cân nhắc quyết định đề nghị Quốc hội xem xét phương án sử dụng lực lượng bộ binh tại Iraq và Syria, phê chuẩn đạo luật tạo khung pháp lý cho phép chính quyền của Tổng thống Barack Obama tiến hành không giới hạn các chiến dịch quân sự ở Trung Đông. Mục tiêu cuối cùng là nhanh chóng khép lại cuộc chiến này để rảnh tay đối phó với các nguy cơ an ninh trong nước tiềm ẩn từ những chiến binh đơn độc.
Washington đã thành lập một liên minh gồm nhiều nước phương Tây và Arập để tiến hành hơn 1.000 cuộc không kích nhằm vào IS tại Iraq và Syria kể từ tháng 8, sau khi tổ chức cực đoan này giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ và tuyên bố thành lập "Caliphate" - Vương quốc Hồi giáo.
Dù bị đẩy lùi trên nhiều mặt trận, song các tay súng IS vẫn tấn công hết sức mạnh mẽ, đặc biệt là tại cả miền Bắc Syria và phía Tây Iraq, đặt ra câu hỏi về chiến lược của Mỹ, vốn vẫn đang chỉ sử dụng sức mạnh không quân mà những người chỉ trích cho là "biện pháp nửa vời". Các đồng minh truyền thống cũng như các đối tác mới và thậm chí cả một số cố vấn quân sự cao cấp của ông Obama đều hối thúc nhà lãnh đạo này mở rộng quy mô chiến dịch quân sự hiện nay, trong đó có việc đưa quân vào tham chiến tại Iraq.
Một lựa chọn sẽ tạo ra sự khác biệt mang tính quyết định là đưa bộ binh Mỹ vào chiến trường. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cần được cân nhắc thận trọng để tránh bị cuốn vào một vòng xoáy chiến tranh mới, tiêu hao sinh lực và vật lực.
Gắn kết vụ bắt cóc con tin tại Sydney với những diễn biến thực địa ít khả quan tại chiến trường Iraq và Syria, giới chức liên quân do Mỹ đứng đầu không khỏi lo ngại. Thách thức chồng thách thức với liên minh trong cuộc chiến mới này.
Phương Hồ