Sự sụp đổ của đế quốc La Mã - Kỳ cuối: Cơn oằn mình giãy chết

Các “comitatenses” không có căn cứ quân sự lâu dài mà thay vào đó ở ngay trong nhà dân tại những thị trấn nơi hoàng đế dời đô đến. Trong khi đó, các binh đoàn biên giới cũ gồm 5.000 quân cũng như các sở chỉ huy doanh trại trên biên giới đã bị thu nhỏ quy mô, nhằm ngăn ngừa những kẻ nổi loạn huy động các đơn vị quân đội lớn.

Trận Adrianople.


Nhiều pháo đài và thành trì bị cắt giảm quân lực hay bỏ trống, buộc quân đội phải dựa vào những tân binh man tộc địa phương để bảo vệ biên giới. Thậm chí các “comitatenses” cũng chủ yếu được chắp vá từ những tàn quân trong các cuộc nội chiến. Đến giữa thế kỷ thứ 4, các hoàng đế La Mã phải dựa vào những lực lượng quân sự đã suy yếu và trang bị sơ sài để đối phó với các mối đe dọa dọc biên giới, các cuộc nổi loạn trong nước và những cuộc tấn công của các man tộc nay đã định cư bên trong lãnh thổ của đế quốc.


Xa về phía đông, một liên minh lớn những bộ lạc du cư do người Hung lãnh đạo bắt đầu di chuyển đến biên giới Danube. Nhờ chiêu mộ các chiến binh từ những bộ lạc bị thôn tính dọc đường đi, quân đội Hung đã càn quét vùng đồng bằng ở miền trung Hungary ngày nay, khiến các nhóm dân cư địa phương phải chạy nạn tới biên giới La Mã để được bảo vệ. Mùa hè năm 376, hai nhóm người Goths, gồm khoảng 15.000 binh sĩ và 60.000 phụ nữ, trẻ em và người già, đến bờ sông Danube và xin tị nạn trong lãnh thổ đế quốc. Do đã dồn đáng kể binh lực ở biên giới Danube cho cuộc chiến với người Ba Tư, Hoàng đế Valens (364 - 378) đã không thể đẩy lùi người Goths và đành chấp nhận cho họ định cư ở Thrace.

Rome thất thủ năm 476.


Nhưng quyết định này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Khu vực biên giới thiếu lương thực trầm trọng và một chỉ huy La Mã tham nhũng có tên Lupicinus đã thu gom tất cả chó trong vùng để bán lại cho những người Goths đói ăn với giá một con chó đổi một đứa trẻ. Điều này khiến người Goths bất bình và tàn phá phía bắc Thrace, dẫn đến trận đánh ác liệt với quân đội La Mã một năm sau đó ở Adrianople. Tuy nhiên, điều hết sức bất ngờ là các lực lượng Goths đã tiêu diệt tới 2/3 số binh sĩ La Mã và hạ sát hoàng đế. Họ tiếp tục chiến đấu ở Thrace cho đến khi đạt được một thỏa ước hòa bình năm 382 cho phép họ định cư ở Italy và phần còn lại ở Thrace.


Chiến thắng của người Goths trước quân đội La Mã cùng với sức ép của người Hung đã buộc nhiều bộ lạc khác phải vượt qua biên giới được bảo vệ lỏng lẻo này. Thất bại ở Adrianople đã khiến quân đội La Ma mất đi 60% binh lực ở phía đông và phải trầy trật để ngăn chặn dòng người di cư ồ ạt, tấn công những người di cư tìm cách vượt sông và truy lùng khi họ chạy vào sâu bên trong lãnh thổ đế quốc.


Trong giai đoạn mà các sử gia gọi là Cuộc khủng hoảng thế kỷ thứ 4 từ năm 405 - 408, đế quốc La Mã đã hứng chịu những cuộc xâm lược quy mô lớn của các man tộc và bị tổn thất lực lượng trầm trọng, tới 80 trung đoàn tức gần 50% quân số tập đoàn quân La Mã ở phía tây. Một khi những kẻ xâm lược chọc thủng được hệ thống phòng thủ biên giới, Rome không có đủ sức mạnh quân sự để đánh bật họ và thay vào đó cho họ định cư tại nhiều tỉnh, thành với điều kiện phải cung cấp binh sĩ cho quân đội La Mã.


Tuy nhiên, các khu định cư của man tộc, với những thủ lĩnh và quân đội hùng mạnh riêng, không chấp nhận sự cai quản của La Mã. Chỉ trong vòng vài năm, các man tộc bắt đầu giao tranh với nhau, đột kích và chiếm đóng các khu định cư La Mã láng giềng. Hầu hết các thành phố và thị trấn ở bên trong đế quốc không có tường rào bảo vệ, vốn là hệ quả của nền hòa bình lâu dài của La Mã, do vậy các cuộc xâm chiếm của man tộc và phản công của La Mã đã khiến một số tỉnh bị tàn phá nặng nề.


Đến cuối thế kỷ thứ 3, ước tính 2/3 lượng tiền thuế của đế quốc không đến được chính quyền trung ương. Chiến tranh và bất ổn liên miên đã khiến La Mã cạn kiệt nguồn tài chính không thể vãn hồi. Không đủ tiền, chính quyền không thể tuyển đủ quân hay huấn luyện binh sĩ bài bản để đáp ứng các nhu cầu của đế quốc. Quân đội La Mã một thời vô song giờ chỉ mang tầm vóc của những nhóm chiến binh man tộc. Đế quốc La Mã đang trong cơn oằn mình giãy chết.


Sau khi đế quốc Tây La Mã sụp đổ, đế quốc Đông La Mã (Byzantine) tiếp tục tồn tại là một nhà nước quan trọng trong lịch sử thêm 1.000 năm nữa. Phần lớn các hoàn cảnh và sự kiện khiến Tây La Mã tan rã không lặp lại với Đông La Mã. Địa lý là một yếu tố quan trọng cho sự tồn tại của Đông La Mã. Ở phía tây, chỉ có các con sông Danube và Rhine là những hàng rào phòng thủ tự nhiên trong khi ở phía đông, đó là eo biển Bosporus. Để vượt qua eo biển này đòi hỏi phải có chiến hạm và sức mạnh để đương đầu với quân đội Đông La Mã hùng mạnh, những điều mà các man tộc không có.


Thủ đô Đông La Mã Constantinople được núi non bao bọc ở phía đông bắc. Chính quyền Đông La Mã duy trì mối quan hệ hữu hảo với các bộ lạc miền núi. Họ cung cấp nhân lực và giúp cảnh báo sớm các hoạt động xâm lược. Ở phía nam và đông, người Pathia và sau đó là người Ba Tư của đế quốc Sassanid ngăn chặn sự xâm lược của người Arab. Mặc dù Đông La Mã cũng có những vấn đề an ninh với người Ba Tư, song việc giao thiệp với một nhà nước có tổ chức dễ hơn nhiều so với một số bộ lạc mạnh đang đe dọa đường biên giới dài và khó phòng thủ.


Đế quốc Đông La Mã đã đứng vững trước nhiều nỗ lực xâm lược khác nhau cho đến năm 1453, khi thủ đô Constantinople hứng chịu cuộc tấn công toàn diện của người Thổ Nhĩ Kỳ thuộc đế quốc Ottoman, được trang bị những khẩu pháo thần công đời đầu trong lịch sử. Mặc dù quân đội hùng mạnh của La Mã đã gục ngã, nhưng họ góp phần tạo nên một lịch sử chiến tranh dữ dội.


Huy Lê

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN