Sống lại nghề dệt thổ cẩm kết cườm độc đáo của người Cơtu

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Tổ chức Cứu trợ Phát triển Quốc tế Nhật Bản (FIDR), đồng bào Cơtu ở huyện miền núi Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) đã khôi phục được nghề dệt thổ cẩm truyền thống với nhiều nét đặc sắc, vừa bảo tồn văn hóa vừa phát triển kinh tế một cách bền vững.

Du khách thích thú với sản phẩm du lịch của đồng bào Cơtu, trong đó có thổ cẩm kết cườm. Ảnh: Thùy Hương

Người Cơtu ở xã Ta Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam có nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu đời, thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Cơtu qua các công đoạn: trồng bông, tách hạt, chế biến sợi, nhuộm màu, dệt vải... Điều đặc sắc của thổ cẩm nơi đây là những hoa văn được dệt không chỉ bằng chỉ màu, mà còn bằng những hạt cườm trắng hoặc hạt chì, xâu trực tiếp vào chỉ dệt. 


Tuy nhiên, do nhiều biến động, nghề dệt truyền thống của đồng bào Cơtu tại Ta Bhing có lúc tưởng đã thất truyền. 


Tổ chức Cứu trợ Phát triển Quốc tế Nhật Bản (FIDR) vào năm 2007 hoàn thành Dự án Phát triển cộng đồng huyên Nam Giang, cải thiện đáng kể mức sống cho bà con, hướng dẫn để bà con khôi phục các nét bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường niềm tự hào về bản sắc văn hóa. Năm 2008, Dự án Hỗ trợ phát triển dệt thổ cẩm truyền thống Cơtu - Nam Giang được triển khai. Các chuyên gia nước ngoài đã cùng bà con nghiên cứu cải tiến kỹ thuật dệt, khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm, đào tạo truyền đạt các kỹ thuật cho thế hệ trẻ. Năm 2011, hợp tác xã thổ cẩm đầu tiên của bà con dân tộc Cơtu được thành lập và HTX của bà con dân tộc thiểu số đầu tiên tại Quảng Nam. 


“Thời gian đầu, hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn”, chị Nguyễn Thị Kim Lan, Giám đốc Hợp tác xã cho biết. Bà con vẫn quen tập quán đi nương làm rẫy, việc dệt vải thường chỉ tranh thủ, nên khó tập trung một nơi để sản xuất. Khi mới thành lập, việc khôi phục các kỹ thuật dệt truyền thống không dễ dàng, bởi số lượng người biết dệt kết cườm không nhiều, lại đã lớn tuổi. Mẫu mã khi đó chưa phong phú nên không tiêu thụ được nhiều, thu nhập không đáng kể nên chưa thu hút được nhiều xã viên tham gia. 

Thổ cẩm kết cườm, sản phẩm độc đáo của đồng bào Cơtu. Ảnh: Thùy Hương.

Nhưng dần dần, sản phẩm dệt thổ cẩm Cơtu đã được đón nhận trên thị trường và được nhiều người biết đến. Chị Nguyễn Thị Kim Lan cho biết, khoảng 50 mẫu dệt cổ tưởng đã thất truyền đã dần dần được khôi phục. Hợp tác xã cung cấp cho thị trường 200 - 300 sản phẩm các loại, sản xuất ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết. “Doanh thu hàng năm hơn 150 triệu đồng, mỗi tháng, các chị em xã viên có thêm thu nhập 400.000 - 500.000 đồng từ các sản phẩm dệt. Chưa phải là nhiều, nhưng tại bản làng còn chủ yếu sản xuất nương rẫy, đây là khoản tiền đáng kể”, chị Lan cho biết. 


Và từ thổ cẩm, một hướng đi mới dần rõ nét hơn trong phát triển kinh tế địa phương: du lịch. Hợp tác xã du lịch dựa vào sự chủ động của cộng đồng tại Ta Bhing đã có thêm làng nghề dệt và sản phẩm thổ cẩm ở thôn Zơra để giới thiệu cùng du khách. Các sản phẩm thổ cẩm được thiết kế đa dạng hơn về mẫu mã. Không chỉ còn là những mảnh vải thổ cẩm, mà hoa văn kết cườm của đồng bào Cơtu đã xuất hiện trên túi xách, ví, ba lô, bao gối, tấm đắp, khăn trải bàn... với ứng dụng cao. Du khách đến Ta Bhing thích thú với các sản phẩm dệt, được lắng nghe các nghệ nhân giới thiệu 12 công đoạn của nghề dệt thổ cẩm Cơtu, trực tiếp tham gia trải nghiệm căng chỉ, luồn hạt, đưa thoi... hình thành lên các tấm thổ cẩm kết cườm độc đáo. 


Các sản phẩm thổ cẩm kết cườm của dân tộc Cơtu cùng mô hình du lịch cộng đồng tại Ta Bhing đã làm phong phú hơn cho “bản đồ du lịch” tỉnh Quảng Nam. Du khách không chỉ biết đến các bãi biển ở Đà Nẵng, phố cổ ở Hội An, làng đá Non Nước... , mà đã có thêm một địa chỉ du lịch thú vị, cùng trải nghiệm các sinh hoạt của cộng đồng Cơtu, trong đó có dệt vải, kết cườm.


Bài và ảnh: Thùy Hương
Nguy cơ mai một nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Cao Bằng
Nguy cơ mai một nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Cao Bằng

Nghề dệt thổ cẩm ở Cao Bằng đang dần mai một trước sự phát triển của dệt may công nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN