Sốc với hành vi “hôi” của

Ngày còn bé, trong ký ức tôi vẫn tươi nguyên kỷ niệm những ngày đi hôi cá mỗi khi có nhà tát ao. Cả người lớn và trẻ con đều háo hức chờ giờ phút chủ nhà tháo khoán là ào xuống. Mọi người kiên trì mò mẫm những chú cá gan lỳ chúi sâu dưới bùn. Có đứa tóm được chú cá chuối bằng cổ tay giơ lên. Tất cả đều reo lên sung sướng. Đó là niềm vui sướng, hạnh phúc chân chính.


Nhưng giờ lại xuất hiện một kiểu "hôi" mới khiến thiên hạ bị sốc. Khi có người gặp tai nạn giao thông hay bị sự cố gì, rơi tiền của ra chưa kịp nhặt, nhiều người xúm lại "hôi". Thậm chí có kẻ "hôi" khi nạn nhân TNGT qua đời.


Chiều 20/9/2014 vừa qua, tại chợ Bến Thủy, TP Vinh (Nghệ An), khi giông gió nổi lên, những người buôn bán ven khu chợ lật đật dọn hàng hóa tránh mưa. Bất ngờ gió cuốn tung xô nhựa nhỏ đựng tiền của chị bán rau củ bay tung tóe. Nhiều người đi đường đã nhặt tiền rồi thản nhiên bỏ đi. Người phụ nữ tội nghiệp bất lực ngồi khóc! Số tiền chị mất không lớn như những vụ "hôi" của khác, nhưng nó phản ánh sự cạn tình, ráo nghĩa của con người trước nỗi đau của người khác.


Những chuyện "hôi" chứng tỏ căn bệnh vô cảm đang ngày trầm trọng trong một bộ phận người dân nước ta. Thật đau xót khi nhiều người cho đó là hành động bình thường(!?). Họ ngụy biện: Tôi "hôi" tiền của rơi trên đường chứ tôi có móc túi đâu. Xin thưa rằng: Giữa thanh thiên bạch nhật, người bị nạn rơi của ra chưa kịp thu lại, tại sao không nhặt giúp mà lại biến thành của mình? Như thế làm sao gọi là "hôi", mà phải gọi là hành động ăn cướp trắng trợn, vô liêm sỉ khiến dư luận căm phẫn tột độ!


Tình trạng "hôi của" thật nguy hại và để lại nhiều hệ lụy. Không biết những người "hôi" được của mang về sẽ khoe "chiến tích" ấy với người thân như thế nào? Con cái họ liệu có noi gương của cha mẹ không? Chúng sẽ thành những người công dân ra sao khi cha mẹ có những hành động xấu xa, bất nhân như vậy? Gieo nhân nào hái quả ấy là thế.


Với nạn nhân bị "hôi", còn đâu niềm tin vào cuộc đời, vào cộng đồng? Họ cũng sẽ phải cảnh giác, phải nghi ngờ, thậm chí căm ghét và sống ác với tất cả. Như vậy, xã hội sẽ tràn lan cái ác, cái xấu, không còn: "Người yêu người, sống để yêu nhau" thì còn gì đáng sợ hơn. Và nữa, thể diện quốc gia bị tổn thương khi người nước ngoài chứng kiến hoặc xem clip về "hôi của". Không thể đổ lỗi cho cái nghèo mà đi cướp của. Những đạo lý cao đẹp ông cha ta đã dạy: "Giấy rách phải giữ lấy lề", "Đói cho sạch rách cho thơm", "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" đã bị chà đạp. Khi đất nước còn chiến tranh hay thời bao cấp, mức độ nghèo đói còn gấp nhiều lần bây giờ chứ. Vậy mà người ta vẫn thật thà, thân thiện với nhau. Trộm đạo hiếm lắm. Nhà có phải cửa đóng then cài, tường cao rào kín như giờ đâu.


Tình trạng "hôi" của như trên cho thấy sự vô cảm đến tàn ác của một số người. Thái độ thờ ơ của con người với cái sống, cái chết, trước hoạn nạn của người khác mà không thấy day dứt, thương cảm thật đáng sợ. Tranh thủ người khác bị gặp nạn mà xâu xé thì hỏi còn gì là lương thiện? Đó là sự bất nhân! Những hành động "hôi" của này xuất phát từ những thói xấu của một bộ phận dân mình là: Ngu - Tham - Hèn - Ác, như nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã nói.


Vô cảm chính là hậu quả của lối sống thực dụng, những giá trị đạo đức đang bị bào mòn, thiếu khuyết, là mầm mống của tội ác. Điều này lý giải phần nào về sự gia tăng những vụ trọng án những năm gần đây. Đó chính là nỗi lo và đau của xã hội, là lực cản đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, cần phải có tuyên chiến với bệnh vô cảm và có "thuốc đặc trị" để loại bỏ căn bệnh nguy hại này khỏi cộng đồng.


Trịnh Thị Thuận

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN