Vòng chung kết hội thi “Tìm hiểu pháp luật dành cho nông dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc”, do Ủy ban Dân tộc tổ chức ngày 28/10, tại Hội trường Trường Đại học Luật Hà Nội. Hình thức sân khấu hóa tuyên truyền pháp luật đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số này là một sáng kiến của Ủy ban Dân tộc, nhằm thực hiện hiệu quả Quyết định 554 của Thủ tướng Chính phủ về tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 đến năm 2012.
Tiểu phẩm “Câu chuyện ở bản” của đội Bát Xát (Lào Cai) về phòng chống buôn bán phụ nữ qua biên giới được đánh giá cao. |
Thí sinh Lương Thị May Huyền, đội xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, tâm sự: “Hội thi là ngày hội lớn với đồng bào. Thông qua các cuộc thi bà con vừa được giao lưu, học hỏi, vừa được “xóa nghèo” về pháp luật. Chúng em đến hội thi với tinh thần giao lưu, học hỏi, đúc rút được nhiều kinh nghiệm bổ ích, kiến thức pháp luật để tuyên truyền cho bà con thôn, bản nơi em sinh sống. Sau cuộc thi này em mong các cấp tạo điều kiện tổ chức cho đội đi tuyên truyền pháp luật ở nhiều thôn, bản trong và ngoài huyện”.
Tham gia vòng chung kết hội thi có 7 đội xuất sắc đã trải qua hai vòng thi sơ khảo và chung khảo là: Ba Vì (Hà Nội), Bát Xát (Lào Cai), Tương Dương (Nghệ An), Chi Lăng (Lạng Sơn), thành phố Cao Bằng (Cao Bằng), Sông Mã và Mai Sơn (Sơn La). Các đội thi tài ở 4 phần thi: Chào hỏi, tình huống, trắc nghiệm, và tiểu phẩm tuyên truyền. Trong không khí đua tài sôi nổi, hấp dẫn, các thí sinh được thể hiện sự hiểu biết của mình về các quy định của pháp luật liên quan đến nhiều lĩnh vực như đất đai, tôn giáo, hôn nhân và gia đình, giao thông đường bộ, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống ma túy, khiếu nại, tố cáo... Các tác phẩm được chuẩn bị, dàn dựng công phu, hấp dẫn và lôi cuốn. Đặc biệt diễn xuất tự nhiên của các thí sinh là người dân tộc thiểu số gây nhiều ấn tượng cho khán giả. Những tiểu phẩm còn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, sinh động, dễ hiểu giúp bà con các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Kết quả chung cuộc, đội Bát Xát (Lào Cai) giành giải đặc biệt; đội Ba Vì (Hà Nội) và Sông Mã (Sơn La) giành giải nhất; đội Tương Dương (Nghệ An), Mai Sơn (Sơn La) và thành phố Cao Bằng (Cao Bằng) giành giải nhì. Giành giải ba là các đội Quỳnh Hợp (Nghệ An), Chi Lăng và Cao Lộc (Lạng Sơn). Đội giành giải đặc biệt và 2 đội giành giải nhất khu vực phía bắc sẽ được tham gia vòng chung kết hội thi toàn quốc. |
Theo bà Hoàng Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Phó trưởng ban tổ chức hội thi, tuyên truyền pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa đã thu hút được nhiều người tham gia. Ngoài cán bộ các cơ quan đoàn thể, người có uy tín, người sản xuất giỏi, chương trình còn có sự tham gia của các chiến sĩ bộ đội biên phòng, công an, học sinh… Nội dung thi tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật theo chủ đề với những câu chuyện mà các thí sinh mang đến các hội thi rất thú vị; nội dung và hình thức thể hiện phong phú, sinh động; ngôn ngữ thể hiện mộc mạc, đã chuyển tải được nhiều quy định của pháp luật đến với đời sống của đồng bào các dân tộc một cách nhẹ nhàng. Với hình thức sân khấu hóa, nội dung của các điều luật đều trở nên dễ hiểu, dễ nhớ, không còn là những văn bản luật khô khan mà là những điều rất đơn giản trong cuộc sống đời thường, xoay quanh các chủ đề pháp luật về đất đai, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống ma túy… giúp bà con hạn chế được những vi phạm về pháp luật.
Ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Trưởng ban tổ chức hội thi đánh giá, hội thi lần này là dịp để các thí sinh đến từ các xã, huyện được tham gia một sân chơi trí tuệ, được thể hiện khả năng cũng như được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong việc tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, với hình thức sân khấu hóa, còn huy động tốt mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của toàn xã hội tham gia vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Người dự thi cũng trở thành cộng tác viên, tuyên truyền viên cho cộng đồng dân cư và gia đình, thôn, xóm…
Hội thi được tổ chức tại một số tỉnh, thành có đông đồng bào các DTTS, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từng bước vận dụng pháp luật có hiệu quả vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người, của Nhà nước và của xã hội; nâng cao ý thức tự giác chủ động tìm hiểu và chấp hành pháp luật, có khả năng tự tổ chức và giải quyết tốt các mâu thuẫn, vướng mắc trong nhân dân, bảo đảm tăng cường đoàn kết thôn, bản, ấp, làng, phum, sóc, phát huy dân chủ cơ sở, giữ vững an ninh chính trị xã hội, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của các DTTS.
Bài và ảnh: Trọng Thủy