Quốc hội thảo luận một số dự án Luật quan trọng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, ngày 21/5, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC); thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

 

Khắc phục hạn chế về phòng cháy, chữa cháy


Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã đọc tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này.

Đại biểu Quốc hội Hà Nội Nguyễn Thị Nguyệt Hường phát biểu ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.
Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Theo tờ trình của Chính phủ, qua 10 năm triển khai thực hiện, các quy định của Luật PCCC đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới. Cụ thể: Luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC. Luật cũng chưa quy định cụ thể, đầy đủ về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với các loại hình công trình đặc thù về cháy, nổ; quy định về trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy ở cơ sở và khu dân cư chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công tác PCCC…


Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCCC của Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội cũng đánh giá luật hiện hành đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới, góp phần bảo đảm cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững.

 

Bảo vệ gia đình người chống khủng bố


Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống khủng bố; đồng thời tán thành với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo luật và cho rằng, dự thảo luật đã được nghiêm túc hoàn thiện trên cơ sở những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội. Các đại biểu đề nghị làm rõ, bổ sung thêm một số vấn đề quan trọng liên quan đến những điều, khoản của dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố.


Đối với chính sách phòng, chống khủng bố (điều 4), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung: Chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống khủng bố; chính sách đối với người phát hiện hành vi khủng bố và người thân của họ; chính sách bảo vệ người thân thích của người tham gia phòng, chống khủng bố khi có căn cứ cho rằng những người đó bị đe dọa trả thù; chính sách khen thưởng khi cung cấp thông tin về khủng bố.
Về trách nhiệm, quyền hạn của người chỉ huy chống khủng bố (điều 14), đại biểu Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn), Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhất trí như trong dự thảo luật, nhưng đề nghị cần làm rõ thẩm quyền của từng cấp để đảm bảo tính khả thi của luật. Một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, khi chưa có quyết định người chỉ huy thì người đứng đầu cơ quan trực tiếp sẽ là người chỉ huy và đối với cấp tỉnh khi chưa có quyết định người chỉ huy thì nên để trưởng công an là người chỉ huy.


Góp ý trong hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố (chương VI), đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) và một số đại biểu khác nhất trí như trong dự thảo luật nhưng cần quy định chặt chẽ để đảm bảo linh hoạt.


Cần quy định ngưỡng doanh thu tính thuế phù hợp


Đánh giá những kết quả đạt được sau 4 năm thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng trong bối cảnh kinh tế xã hội gặp rất nhiều khó khăn, các đại biểu nhận định luật đã cơ bản đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra nhưng so với thực tế của nền kinh tế hiện nay và xu hướng phát triển, một số quy định trong luật đã bộc lộ một số hạn chế.


Tán thành với việc sửa đổi, bổ sung điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, song, đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) cho rằng dự thảo Luật quy định mức doanh thu để xác định hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh là từ 100 triệu đồng/năm trở xuống, tương đương với hơn 8 triệu đồng/tháng là chưa thực sự phù hợp. Để xác định được mức doanh thu này là không hề dễ. Đại biểu đề nghị không nên quy định một mức doanh thu cụ thể là 100 triệu đồng/năm mà giao cho Chính phủ quy định theo từng thời kỳ.


Đối với vấn đề ngưỡng doanh thu tính thuế, nhiều ý kiến chưa đồng tình với quy định ngưỡng doanh nghiệp có doanh thu 1 tỷ đồng/năm trở lên để áp dụng phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp có doanh thu dưới ngưỡng 1 tỷ đồng/năm phải nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp. Ngưỡng doanh thu tính thuế chỉ nên ở mức 500 triệu đồng/năm là đề xuất của nhiều đại biểu. Đại biểu Nguyệt Hường (Hà Nội) dẫn giải: Các cơ quan thuế muốn thu thuế giá trị gia tăng sẽ khó khăn khi thực hiện quy định này bởi doanh thu của doanh nghiệp thường không ổn định, mức doanh thu tùy thuộc vào độ nóng lạnh của thị trường, khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp, có thể năm nay doanh nghiệp đạt mức doanh thu đó nhưng năm sau lại không đạt được. Theo quy định của luật hiện hành, việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng có 2 hình thức, biểu mẫu hóa đơn đỏ dùng phương pháp khấu trừ khác với biểu mẫu tính trực tiếp, như vậy một doanh nghiệp sẽ phải xin in hai loại biểu mẫu hóa đơn đỏ và tùy theo doanh số của doanh nghiệp để kê khai thuế giá trị gia tăng. Quy định như vậy sẽ rất bất cập khi triển khai trên thực tiễn.


Nhiều đại biểu đề nghị giữ nguyên mức thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế đối với đầu tư và xuất khẩu là 200 triệu đồng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn về vốn, nếu nâng mức được hoàn thuế lên 500 triệu đồng sẽ càng làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn, cần cho đối tượng doanh nghiệp này được hoàn thuế càng sớm càng tốt - đại biểu Nguyệt Hường nhận định. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội).

 

Áp mức thuế suất hợp lý


Theo Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, giai đoạn 2014 - 2015 áp dụng thuế suất phổ thông là 22%; đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng, sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian áp dụng mức thuế suất 20%. Một số trường hợp áp dụng thuế suất từ 32% đến 50% giao Chính phủ quy định chi tiết. Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% trong giai đoạn 2014-2015 chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 1/1/2016 . Nhiều đại biểu nhất trí với quy định về giảm thuế suất và lộ trình giảm thuế suất như Dự thảo luật và cho rằng, chủ trương giảm thuế suất là bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách thuế, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy vốn, mở rộng sản xuất nâng cao tính cạnh tranh, đẩy mạnh, khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.


Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần có biện pháp quản lý doanh nghiệp sử dụng 200 lao động và doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm bởi số lao động trong các doanh nghiệp thường không ổn định, trừ một số doanh nghiệp tính chuyên môn hóa cao. Dẫn chứng từ Nghị định 56/2009/NĐ-CP quy định về doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng quy định như vậy thì chủ yếu doanh nghiệp nhỏ được thực hiện còn doanh nghiệp vừa chỉ có khối thương mại, dịch vụ được hưởng, còn khối doanh nghiệp nông lâm nghiệp và công nghiệp, xây dựng là không được hưởng chính sách này. Đại biểu băn khoăn: Nghị định cũng quy định là tổng nguồn vốn chứ không quy định tổng doanh thu vì quy định tổng doanh thu doanh nghiệp sẽ dễ bề lách luật, rất khó xác định.


Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề nghị áp dụng ưu đãi thuế suất đối với những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng hạ tầng giao thông, bến bãi, điểm đỗ xe công cộng vì hiện nay các đô thị lớn đặc biệt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang đứng trước thách thức lớn về thiếu hạ tầng giao thông tĩnh, giao thông công cộng. Đại biểu lý giải: Vấn đề đất ở trong vùng lõi đô thị là tấc đất tấc vàng nên nhà đầu tư có đất đều mong muốn xây dựng nhà thương mại, căn hộ chung cư, văn phòng cho thuê vì mang lại hiệu suất lớn hơn. Vì thế, giải pháp tối ưu là xây dựng các điểm đỗ xe cao tầng hoặc các điểm đỗ ngầm, song suất đầu tư cho các lĩnh vực này là rất cao, phải từ 20 - 50 năm mới có thể hoàn vốn nên không hiệu quả. Để giải quyết thách thức về giao thông tĩnh, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao cần có điều khoản ưu đãi thuế suất với những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng giao thông công cộng.


TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN