Quân đội Thái Lan từ chối gặp phe đối lập

Các tướng lĩnh quân đội cấp cao Thái Lan ngày 12/12 đã quyết định không gặp lãnh đạo của phe biểu tình chống chính phủ, đồng thời nói rằng sẽ rất nguy hiểm cho đất nước nếu quân đội đứng về một phe nào đó.

Cảnh sát Thái Lan bảo vệ bên ngoài tòa nhà chính phủ ngày 12/12.


Tư lệnh lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha, khẳng định: “Lần này quân đội đang đứng giữa rất nhiều người ở hai phe. Nếu các bạn không thể giải quyết bế tắc này trước, thì điều đó rất nguy hiểm”.


Trước đó, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban thông báo với người ủng hộ rằng ông đang tìm cách gặp những người đứng đầu quân đội nhằm giúp phe đối lập có thể đạt được kế hoạch cải cách chính trị. Cuộc họp sẽ giúp cho các lãnh đạo cấp cao hiểu về phương hướng của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân mà ông Suthep tự nhận mình là tổng thư ký.


Đây được coi là nỗ lực của phe đối lập nhằm lôi kéo sự ủng hộ của quân đội. Tuy nhiên, đến nay quân đội Thái Lan mới chỉ đề nghị làm trung gian hòa giải và duy trì quan điểm trung lập.


Về phần mình, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã kêu gọi mọi đảng phái chính trị và thành phần xã hội gặp mặt vào ngày 15/12 để tìm cách giải quyết khủng hoảng chính trị. Cuộc họp sẽ do thư ký văn phòng thủ tướng tổ chức.


Trong mấy ngày qua, cảnh sát chống bạo động Thái Lan vẫn được triển khai trong các cuộc biểu tình nhưng không xảy ra đụng độ nào với người biểu tình chống chính phủ. Phát ngôn lực lượng cảnh sát, Piya Utayo, cho biết tối ngày 11/12 rằng lực lượng biểu tình đã bắn súng cao su vào cảnh sát đang làm nhiệm vụ. Ông Piya Utayo cáo buộc một số người biểu tình và đối tượng bên thứ ba “tìm cách làm leo thang tình hình”.


Một cảnh sát túc trực bên ngoài cho biết người biểu tình đã ném cả những gói thuốc nổ bé vào trong tòa nhà chính phủ nhưng không có ai bị thương. Không chỉ thế, người biểu tình ngày 12/12 đã cắt nguồn cung điện và nước tới một số khu vực thuộc tòa nhà để tìm cách buộc lực lượng an ninh rời bỏ vị trí. Lúc đó, không có quan chức nào bên trong tòa nhà.


Cùng ngày, một nhóm nhỏ người biểu tình đã trèo qua tường vào trong khu vực văn phòng thủ tướng nhưng nhanh chóng bỏ đi sau khi họ dịch chuyển một số rào chắn bên trong.


Đảng Dân chủ đối lập sẽ họp vào tuần tới để quyết định có tẩy chay cuộc bầu cử sớm hay không. Nếu họ tẩy chay, động thái này có thể thổi bùng căng thẳng và tăng nguy cơ phe đối lập sẽ tiếm quyền. Mục tiêu lớn nhất hiện nay của phe đối lập là thành lập một “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử để điều hành đất nước.


Trong khi đó, ngày 12/12 thủ lĩnh phe "Áo đỏ" ủng hộ chính phủ Thái Lan, ông Nattawut Saikuar cho biết phong trào này chưa có kế hoạch huy động lực lượng vào thời điểm này, song sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến và sẽ xuống đường ngay khi có những dấu hiệu cho thấy cuộc tổng tuyển cử sắp tới bị cản trở.


Nhà khoa học chính trị Prachak Kongkirati thuộc trường Đại học Thammasat của Thái Lan nhận định: Việc lập một chính phủ không qua bầu cử và chỉ định một thủ tướng để thế chỗ cho chính phủ được bầu hợp pháp của Thủ tướng Yingluck Shinawatra không khác gì một cuộc đảo chính, có thể khiến đất nước mất quy tắc dân chủ, đi ngược với hiến pháp và rõ ràng là không hợp lý. Theo ông Prachak, mọi đảng phái phải ủng hộ tiến hành cuộc bầu cử dân chủ trên toàn quốc vào ngày 2/2/2014 tới.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN