Mới đây tôi về huyện Gia Bình, Bắc Ninh, dự tang lễ của một người thân. Trong vài ngày dự tang và quan sát phong tục tập quán trong việc cử hành tang lễ ở đây tôi thấy đám tang quá ư là rườm rà, tốn kém. Khi người chết nằm xuống, họ hàng nội ngoại, bạn bè thân thích tập trung đông đủ và một cuộc họp được lập nên giữa con cháu và những người trong dòng họ bàn phương hướng lo toan đám tang.
Trong lúc tang gia bối rối, ngoài việc lo hậu sự cho người chết thì một tổ vài chục người được phân công đi mua nguyên liệu thực phẩm để làm cơm cho những người đến dự tang. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, nên người dự lễ tang rất đông, thậm chí cả những người làng trên, xóm dưới không phải họ hàng thân thích họ cũng đến chia buồn cùng gia chủ. Chính vì thế mà việc lo cơm, lo cỗ cũng khá vất vả, không chỉ ăn một bữa, có khách ở xa còn ăn 2, 3 bữa cho đến khi công việc tang lễ xong xuôi. Đám tang mà tôi tham dự dự trù làm khoảng 70 - 80 mâm cơm cho hai ngày, thế nhưng do khách đông quá nên “phát sinh” lên tới 120 mâm. Công việc mua bán, nấu nướng đều do người trong dòng họ thực hiện nên cũng bớt phần tốn kém. Thế nhưng, theo người bạn tôi tiết lộ thì chỉ riêng khoản chi cho 120 mâm cơm xoàng xĩnh vậy mà cũng mất đứt 30 triệu đồng, nghĩa là mỗi mâm có giá 250.000 đồng. Ngoài khoản tiền chi cho cỗ bàn, cơm nước thì một khoản tiền chi cho phần hậu sự của người đã khuất cũng không phải là ít. Tính sơ sơ, một đám tang phải chi tới 50 triệu đồng. Tất nhiên, số tiền khách đến phúng viếng là có, nhưng ở quê người ta đi phúng chủ yếu là thẻ hương kèm theo 30.000 - 50.000 đồng nên số tiền thu chẳng thấm tháp gì so với chi. Qua tìm hiểu từ một số người dân ở đây tôi được biết, hầu như nhà nào có người chết cũng phải làm cơm làm cỗ chứ không “xái” được, bởi không phải riêng con cháu họ hàng trong làng, mà khách thiên hạ họ phải được ăn uống chứ ai lại nhịn đói. Vâng, chẳng thế mà nó đã trở thành trào lưu nên kể cả những hộ nghèo thế nào đi chăng nữa thì khi nhà có người chết vẫn phải cố đi mà vay mượn tiền bạc để làm tang ma cho “bằng chị bằng em”.
Chẳng riêng gì ở Gia Bình, ngay như ở một số huyện ngoại thành Hà Nội cũng vậy. Hầu như đám tang nào, sau khi người chết nằm xuống, song hành với lo phần hậu sự thì người sống cũng lo phần cỗ bàn khá linh đình. Nào thì cỗ dựng rạp tang, cỗ trong ngày, cho đến lúc đưa tang xong và rỡ rạp người ta cũng “chia tay nhau” bằng một bữa cỗ gọi nôm na là “cơm bình thường”. Năm trước, tôi cũng đã từng dự một đám tang ở huyện Gia Lâm và thấy sự rườm rà, tốn kém về khoản cỗ bàn còn hơn ở Bắc Ninh, khi người họ hàng của tôi tổ chức tang ma tới ba ngày vì lý do đợi con ở nước ngoài về. Trong ba ngày ấy, các mâm “cơm bình thường” cứ được dọn ra ngày ba bữa cho khách khứa, và số lượng đầu mâm lên tới vài trăm. Các món trong mâm “cơm bình thường” cũng chẳng khác gì cỗ cưới nên phải mất mấy trăm ngàn/mâm mới chi đủ. May mà gia đình thuộc diện khá giả, chứ nghèo thì sau này trả nợ cho việc lo tang cũng khốn khổ…
Rườm rà trong việc cưới xin dẫu không khuyến khích nhưng còn có thể chấp nhận được vì người ta vin vào sự kiện vui khi “trăm năm có một” trong đời người, đằng này chuyện tang ma khi người chết nằm xuống thì có gì mà vui vẻ để tổ chức ăn uống linh đình cho tốn kém (?!)
Đơn giản, tiết kiệm đối với việc tang ma, cưới xin trong nhân dân là chủ trương chung của Đảng, Nhà nước đã phát động. Chính vì vậy mà người dân ở các làng quê nên đơn giản hóa, xóa bỏ những tập tục rườm rà, tốn kém trong việc hiếu, hỉ, bởi dù có tiết kiệm không làm cỗ (nhất là trong việc tang) thì cũng chẳng ai cười, bởi họ đều hiểu và cảm thông trong lúc tang gia bối rối, đau buồn của gia chủ.
Nguyễn Hán An