Ngày 29/5, một loạt nước phương Tây đã tuyên bố trục xuất đại sứ Xyri để phản đối vụ thảm sát tại Houla, làm 108 người thiệt mạng, bất chấp những khẳng định từ Đamát rằng quân đội chính phủ không hề liên quan đến vụ giết hại thường dân tàn bạo này mà là do bàn tay của các phần tử khủng bố.
Ngoại trưởng Anh William Hague thông báo, lãnh sự Xyri tại Luân Đôn có 7 ngày để rời Anh cùng với các nhà ngoại giao khác. Ông Hague khẳng định, quyết định này là một phần trong nỗ lực tăng sức ép lên chính quyền Xyri của cộng đồng quốc tế, nhằm “gửi một thông điệp rằng Xyri buộc phải lựa chọn và đã hết thời gian dành cho ông Assad”.
Tổng thống Xyri, Bashar al-Assad (phải) hội đàm với đặc phái viên Kofi Annan tại Đamát ngày 29/5. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Cùng ngày, Ngoại trưởng Canađa John Baird cho biết, nước này quyết định trục xuất toàn bộ các nhà ngoại giao Xyri, và họ cùng với gia đình sẽ có 5 ngày để rời khỏi Canađa. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra lệnh trục xuất lãnh sự Xyri tại Oasinhtơn, Imad Moustapha, với thời gian thu xếp là 72 giờ. (Xyri đã rút đại sứ của mình khỏi Mỹ từ cuối năm 2011).
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức, Guido Westerwelle cũng tuyên bố đại sứ Xyri có 72 giờ để rời Béclin. Ông Westerwelle tuyên bố thẳng thừng rằng, “Tổng thống Xyri, Bashar al-Assad phải ra đi để mở đường cho một cuộc chuyển giao hòa bình tại Xyri”.
Tại Pari, Tổng thống Pháp, Francois Hollande thông báo với các phóng viên rằng, quyết định trục xuất đại sứ Xyri, Lamia Shakkur, sẽ được chính thức thông báo đến nhà ngoại giao này trong ngày 29 hoặc 30/5 và “đây không phải là một quyết định của riêng Pháp mà dựa trên sự nhất trí với các đối tác khác”. Ông Hollande cũng cho biết, Pari sẽ tổ chức một hội nghị mới của nhóm Những người bạn của Xyri vào đầu tháng 7, và Pháp hiện đang thảo luận với Anh, Nga và Liên hợp quốc (LHQ) về những bước đi tiếp theo nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Xyri.
Cũng trong ngày 29/5, Ôxtrâylia và các nước Áo, Tây Ban Nha, Italia, Bungari đều tham gia làn sóng đồng loạt trục xuất các đại diện ngoại giao của Xyri nhằm lên án vụ thảm sát tại Houla.
Những động thái nói trên diễn ra sau vụ thảm sát hôm 25/5 tại thị trấn Houla của Xyri làm 108 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 49 trẻ em và 34 phụ nữ. Theo thông báo đưa ra ngày 29/5 của Cao ủy LHQ về nhân quyền, hầu hết các nạn nhân đều bị giết theo kiểu hành hình. Cơ quan này cho biết, những con số ban đầu cho thấy, trên 20 người trong số 108 nạn nhân có thể thiệt mạng do đạn pháo và súng tăng. Và “theo các nhân chứng và những người sống sót, thì hầu hết trong số các nạn nhân còn lại đã bị hành hình trong hai vụ thảm sát riêng rẽ ở Taldu, thuộc Houla, bởi một nhóm bán quân sự Shabia”.
Trong một diễn biến khác, ngày 29/5, đặc phái viên Kofi Annan đã có cuộc gặp gỡ Tổng thống Xyri Bashar al-Assad tại thủ đô Đamát. Ông Annan yêu cầu chính phủ Xyri thi hành các biện pháp quyết liệt để giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình, đồng thời kêu gọi các tay súng giải giáp để giúp tạo dựng môi trường thích hợp cho tiến trình chính trị và chấm dứt bạo lực.
Tại cuộc gặp, Tổng thống Assad cũng cho rằng, “sự thành công của kế hoạch hòa bình do đặc phái viên Annan đề xuất phụ thuộc vào việc chấm dứt các hành động khủng bố và ngăn chặn những kẻ tài trợ cho chúng cũng như ngăn chặn buôn lậu vũ khí vào Xyri”.
Trước đó, đặc phái viên Annan đã tiếp xúc với Ngoại trưởng Xyri Walid al-Moallem. Ông Annan hoan nghênh thông báo của Xyri về việc thành lập một ủy ban điều tra vụ thảm sát tại Houla, cho rằng việc này cho thấy thái độ nghiêm túc của giới lãnh đạo Xyri trong nỗ lực đem lại an ninh và ổn định cho đất nước. Trong khi đó, Ngoại trưởng Moallem nhấn mạnh Xyri đang là mục tiêu của các thế lực kích động hỗn loạn và chính các phần tử khủng bố có vũ trang đã gây ra vụ thảm sát này.
Hằng Hạnh