Phù thủy của những con số

Trong thế kỷ 19, khi mà phụ nữ vẫn bị đối xử bất bình đẳng so với nam giới, có một cô gái trẻ đã nổi lên trong lĩnh vực tưởng như chỉ dành cho phái mạnh. Đó là Ada Lovelcae, nhà toán học tài năng được coi là lập trình viên máy tính đầu tiên trên thế giới mặc dù hơn 100 năm sau đó, chiếc máy tính hiện đại mới thực sự ra đời.

Chân dung nữ bá tước Ada Lovelace.

Ada Lovelace là con gái của thi hào Anh Lord Byron và bà Anne Isabelle Milbankle. Ngay khi mới chỉ tròn một tháng tuổi, cô đã chịu cảnh cha mẹ ly dị và thiếu thốn tình yêu của người cha khi ông Byron rời Anh vĩnh viễn. Bà Byron, một người phụ nữ thông minh và giàu nghị lực, đã một mình nuôi con khôn lớn.


Ada thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật của cha và niềm đam mê khoa học của mẹ. Thế nên, ngoài tài năng về toán và khoa học, cô gái trẻ này còn có năng khiếu về âm nhạc, hội họa và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Pháp.


Ada đã rất may mắn khi được bà Mary Somerville, nhà khoa học và toán học tiên phong của thế kỷ 19, dạy dỗ và khuyến khích cô theo đuổi niềm đam mê toán học. Sau này, chính Mary Somerville đã giới thiệu Ada với Charles Babbage - “cha đẻ” của máy tính.


Năm 13 tuổi, Ada đã thiết kế thành công một chiếc tàu lượn và bắt đầu phát triển con đường nghiên cứu khoa học. Tháng 6/1835, Ada trở thành nữ bá tước sau khi cô kết hôn với William King, Bá tước Lovelace.


Cơ duyên trời cho


Ada có thể đã không trở thành lập trình viên đầu tiên trên thế giới nếu không có bữa ăn tối định mệnh vào năm cô 17 tuổi với học giả Charles Babbage, người phát minh ra máy sai phân - một chiếc máy tính cơ học tự động. Ông cũng là người đã đặt cho cô biệt danh “phù thủy của những con số”.

Máy phân tích - tác phẩm để đời của Babbage.


Tài năng toán học, kỹ năng phân tích và trí tuệ xuất chúng của Ada đã thu hút sự chú ý của Charles Babbage. Họ thường xuyên trao đổi về toán, khoa học, âm nhạc và nhanh chóng trở thành đôi bạn thân.

Năm 1834, Babbage đã ngừng dự án máy sai phân còn dang dở để theo đuổi ý tưởng về một chiếc máy phức tạp hơn có khả năng tính toán. Đó là máy phân tích mà nay người ta gọi nó là máy tính cơ học. Thiết bị này sử dụng thẻ đục lỗ làm ngõ nhập, một máy hơi nước làm năng lượng và bánh xe có chức năng như các hạt của bàn tính để tính toán.


Trong khi bản thân Babbage chưa từng viết về phát minh của mình thì vào năm 1842, nhà toán học người Italy Luigi Manabrea đã xuất bản một cuốn sách tiếng Pháp mô tả về máy phân tích. Tư liệu để Luigi viết cuốn sách chính là những gì ông nghe được khi Babbage trình bày về cuốn sách tại một cuộc hội thảo ở trường đại học bách khoa Turin của Italy.

Ghi chú của Ada Lovelace - chương trình máy tính đầu tiên của thế giới.


Charles Wheatstone, một nhà báo Anh, bạn của Babbage đã nhờ Ada dịch cuốn sách này sang tiếng Anh. Khi đó, ông Babbage đã yêu cầu Ada trình bày thêm ý kiến của mình trong bản dịch này vì ông cho rằng cô là người hiểu rất rõ về chiếc máy.


Trong quá trình dịch, Ada đã bổ sung thêm một chương phụ lục, trong đó là những ghi chú mà cô đã đúc kết được trong quá trình làm việc với Babbage về máy phân tích. Sau khi bổ sung phần ghi chú này, cuốn sách đã dày gấp ba lần so với bản gốc.


Ghi chú của Ada đã đưa ra phương pháp để máy phân tích có thể xử lý các con số Bernoulli, một tổ hợp số phức tạp của nhà toán học cùng tên người Thụy Sĩ. Do vào thời bấy giờ, việc phụ nữ nghiên cứu khoa học vẫn là điều xa lạ và chưa được ủng hộ nên Ada đã che giấu danh tính dưới bút danh A.A.L.


Không chỉ bổ sung ghi chú, Ada Lovelace còn đưa ra những dự báo về máy phân tích mà chính “cha đẻ” của loại máy này, ông Babbage, không thể ngờ tới. Ada cho rằng trong tương lai, máy phân tích có thể sử dụng với nhiều mục đích khác như soạn nhạc và vẽ biểu đồ. Thậm chí, nó sẽ trở thành một thiết bị hữu dụng trong thực tiễn chứ không chỉ riêng trong toán học.


100 năm sau, khi chiếc máy tính hiện đại ra đời, những nhận định trên đã hoàn toàn được chứng thực. Máy phân tích của Babbage được xem như “ông tổ” của chiếc máy tính hiện đại ngày nay và bản phụ chú của Ada đã trở thành chương trình máy tính đầu tiên trong lịch sử tin học. Nữ bá tước xứ Lovelace cũng nhờ vậy mà trở thành lập trình viên đầu tiên của thế giới.


Nhờ tài năng thiên bẩm, xuất thân quý tộc và một người chồng luôn hết lòng hỗ trợ vợ theo đuổi niềm đam mê toán học, nữ bá tước xứ Lovelace đã trở thành một trong những người phụ nữ hiếm hoi trong thế kỷ 19 khẳng định mình trên con đường nghiên cứu khoa học.


Năm 1852, Ada Lovelace đã qua đời do căn bệnh ung thư khi mới chỉ 36 tuổi. Để vinh danh đóng góp to lớn của Ada Lovelace trong lĩnh vực tin học, năm 1980, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lấy tên bà đặt cho ngôn ngữ lập trình mang mã MIL - STD - 1815.


Huyền Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN