Phú Quốc sau 8 năm phát triển tổng thể

Để tập trung đầu tư phát triển nhanh và bền vững huyện đảo Phú Quốc, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phát triển kinh tế, xã hội của huyện đảo này. Ngày 5/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 178 phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”. Sau 8 năm triển khai thực hiện Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ, huyện đảo Phú Quốc được đầu tư phát triển toàn diện trên các mặt.


Tăng trưởng cao và ổn định


Sau 8 năm thực hiện Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Phú Quốc đã có nhiều chuyển biến rõ nét; kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, GDP tăng bình quân hàng năm hơn 22% (GDP năm 2012 đạt 2.145 tỉ đồng, tăng 4,91 lần so năm 2004; 6 tháng đầu năm 2013 tăng 22,16% so với cùng kỳ); thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 57 triệu đồng/người/năm, bằng 5,78 lần so năm 2004; lượng khách du lịch tăng bình quân khoảng 13%, năm 2012 đạt 313.581 lượt người, bằng 2,8 lần so năm 2005; thu ngân sách tăng bình quân hàng năm hơn 36%, năm 2012 đạt 681,1 tỉ đồng; huy động vốn đầu tư tăng 11 lần so năm 2004. Đời sống nhân dân huyện đảo không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo từ 14% năm 2004 giảm còn 1,86% năm 2012, giảm hơn 12%. Công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo giữ vững, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Du khách trên bến tàu Dương Tơ, huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Để đầu tư phát triển đảo Phú Quốc theo Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc đã phổ biến, tuyên truyền, kết hợp với kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu đến đầu tư tại Phú Quốc. Năm 2004 Phú Quốc chỉ có 285 doanh nghiệp đầu tư hoạt động, vốn đăng ký 373 tỉ đồng, đến cuối tháng 5 năm 2013, có 1.367 doanh nghiệp, tăng hơn 1.100 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 26.000 tỉ đồng, tăng gấp 69 lần so với năm 2004. Riêng từ năm 2008 đến nay đã thu hút được 157 dự án đầu tư trong các khu quy hoạch, với diện tích 6.208 ha và 71 dự án đã được cấp giấy Chứng nhận đầu tư, với diện tích 3.478 ha, vốn đầu tư 86.688 tỉ đồng.Về cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch, từ năm 2005 đến nay, Phú Quốc có thêm 45 cơ sở lưu trú du lịch đi vào hoạt động, với 853 phòng, 2.063 giường. Hiện nay Phú Quốc có 100 cơ sở lưu trú du lịch, với 1.975 phòng, hơn 3.366 giường.


Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc được khởi công ngày 23/11/2008, sau 4 năm tập trung giải phóng mặt bằng và tập trung thi công, đến ngày 15/12/2012 hoàn thành giai đoạn 1, với tổng kinh phí hơn 3.000 tỉ đồng, được đưa vào khai thác sử dụng. Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn của tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO), đảm bảo tiếp nhận được các loại máy bay tầm xa, thân rộng như Boeing 777-300; 747-400 và có thể tiếp thu hạn chế máy bay A380-800, với nhà ga hành khách đến năm 2020 đạt công suất 2,65 triệu khách/năm và sau năm 2030 đạt công suất 7 triệu khách/năm. Xây dựng các cảng biển, nâng cấp cảng cá An Thới với tổng vốn đầu tư 62,440 tỉ đồng, đến nay đã thi công đạt giá trị khối lượng thực hiện 30,63% so với tổng mức đầu tư; Đê chắn sóng và nạo vét luồng cửa sông Dương Đông, tổng mức đầu tư 129,206 tỷ đồng, đến nay giá trị khối lượng thực hiện đạt 51,13%.

 

Đường trục chính Nam-Bắc đảo, toàn tuyến dài 51,5 km, tổng mức đầu tư 2.468,630 tỉ đồng, giá trị khối lượng đã thực hiện đạt 50,51%; đường vòng quanh đảo Phú Quốc, với tổng chiều dài 99,5 km, tổng mức đầu tư trên 3.000 tỉ đồng, giá trị khối lượng thực hiện đạt trên 25%; Các tuyến đường nhánh nối trục Nam-Bắc ra biển (từ ngã ba Hàm Ninh đến ấp Suối Đá), tổng mức đầu tư 194 tỉ đồng, giá trị khối lượng thi công đến nay đạt trên 73%. Các dự án điện phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân được tập trung đẩy mạnh, dự án cáp ngầm 110 KV xuyên biển Hà Tiên-Phú Quốc, tổng mức đầu tư khoảng 2.345,139 tỉ đồng, bao gồm hạng mục cấp ngầm dưới biển, đường dây trên không và trạm biến áp, giá trị khối lượng thực hiện đến nay đạt trên 18%. Dự án cấp nước Phú Quốc, có công suất 16.000m3/ngày, tổng mức đầu tư 297 tỉ đồng, hiện đang triển khai đẩy nhanh tiến độ thi công công trình; nâng cấp Hồ nước Dương Đông, với tổng mức đầu tư trên 60 tỉ đồng, giá trị khối lượng thực hiện đến nay đạt trên 51%. Hệ thống xử lý nước thải, rác thải (25 ha) được tập trung giải phóng mặt bằng, để khởi công vào cuối năm 2013. Xây dựng khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, trong đó có casino, hiện nay đang mời gọi đầu tư.


Đề xuất cơ chế chính sách đặc thù


Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách để phát triển nhanh, bền vững đảo Phú Quốc, xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện, ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1322 thành lập Tổ Công tác nghiên cứu, cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc, Kiên Giang, do ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ làm Tổ trưởng; các Tổ phó gồm ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Lê Văn Thi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang; thành viên là Thứ trưởng các Bộ Xây dựng, Tài chính, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường và một số cán bộ cấp Vụ của các bộ, ngành liên quan do Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ quyết định.

 

Từ tháng 9 năm 2012 đến tháng 12/2012, Tổ Công tác đã họp 5 phiên và báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ bước đầu cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sự phát triển của huyện đảo Phú Quốc (ngày 15/12/2012), đã được Thủ tướng thống nhất chủ trương tại Thông báo số 425 ngày 25/12/2012 của Văn phòng Chính phủ. Đến trung tuần tháng 1/2013, Tổ công tác đã hoàn chỉnh tờ trình và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến để trình Thủ tướng Quyết định trên). Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang ra đời, đây chính là một chiếc áo mới cho sự phát triển của Phú Quốc, tạo điều kiện, cơ sở để việc thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang ngày càng nhanh hơn. Bên cạnh đó, Tổ Công tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã nghiên cứu, đề xuất thành lập Khu kinh tế Phú Quốc.


Thành lập Khu kinh tế Phú Quốc


Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, là khu kinh tế ven biển, bao gồm toàn bộ huyện đảo Phú Quốc, diện tích tự nhiên 58.923 ha. Khu kinh tế Phú Quốc được tổ chức thành khu phi thuế quan và khu thuế quan. Khu phi thuế quan là khu vực được xác định gắn với cảng An Thới và sân bay Phú Quốc và khu thuế quan là khu vực còn lại gồm các khu chức năng: Khu du lịch, dịch vụ, khu cảng và khu dịch vụ hầu cần cảng, khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác. Được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 31 ngày 22/5/2013, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/7/2013.


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đáng phấn khởi trên, Phú Quốc vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ, đó là, chưa có cơ chế chính sách đặc thù ổn định lâu dài để phát triển đảo Phú Quốc hoặc nghị quyết chuyên đề của Trung ương về định hướng phát triển đảo Phú Quốc; thực tế trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, nên ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức triển khai các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; kinh tế tăng cao, nhưng chưa xứng với tiềm năng, lợi thế và điều kiện của Phú Quốc. Các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, các chương trình, dự án hỗ trợ của nhà nước chưa phát huy hiệu quả cao; các công trình trọng điểm xây dựng còn chậm, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội; hỗ trợ nguồn vốn của Trung ương còn hạn chế, chưa làm đòn bẩy thúc đẩy các nhà đầu tư mạnh dạn đưa vốn vào đầu tư trong giai đoạn hiện nay; đội ngũ cán bộ công chức của huyện còn thiếu và quá tải so với yêu cầu nhiệm vụ và khối lượng công việc thực tế của huyện. So với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra thì kết quả còn thấp và tiến độ còn rất chậm.

 

Để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, nhất là về cơ sở pháp lý để đưa Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững, xứng với tiềm năng, lợi thế và điều kiện của hòn đảo được mệnh danh “Hòn đảo ngọc Phú Quốc”, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân vùng ĐBSCL nói chung, nhân dân Kiên Giang và Phú Quốc nói riêng, thì Phú Quốc phải có một khung pháp lý đủ mạnh và ổn định lâu dài (Nghị định của Chính phủ hoặc Luật của Quốc Hội) quy định về cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên phát triển đảo Phú Quốc trong thời gian tới, để khi có đủ điều kiện trình Trung ương ban hành Nghị quyết chuyên đề về định hướng phát triển đảo Phú Quốc.


Bích Liên-Xuân Quang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN