Bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh lây qua đường tiêu hóa… là những căn bệnh được khuyến cáo cần đặc biệt chú ý phòng tránh trong mùa mưa năm nay.
Nguy cơ dịch chồng lên dịch
Ths Hoàng Nghĩa Đài, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Đồng Nai cho biết: “Hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) tại tỉnh Đồng Nai vẫn ở mức cao. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 2.464 ca mắc SXH (trong đó có 5 ca tử vong) và 3.545 ca mắc bệnh TCM (16 ca tử vong)”.
Khám, điều trị cho bệnh nhân sốt nhiễm trùng cấp tính tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ (Bộ Y tế). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
“Thông thường, dịch TCM tăng trong tháng 5 sau đó sẽ giảm dần và tới tháng 9 - 12 mới bắt đầu xuất hiện một đợt mới. Tuy nhiên, tới thời điểm này số ca bệnh TCM vẫn chưa giảm. Số ca mắc SXH cũng vẫn ở mức cao. Tính riêng ngày 8/8, tỉnh Đồng Nai vẫn có 55 ca bệnh TCM và 58 ca bệnh SXH”, Ths Hoàng Nghĩa Đài cho hay.
Thời gian tới, hình hình mưa bão và thời tiết sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển, tăng nguy cơ lây lan dịch SXH ra cộng đồng. Ngoài ra, cũng chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là đến mùa tựu trường, khả năng dịch TCM lây lan cho trẻ lứa tuổi mầm non, học sinh tiểu học là rất lớn. Do đó, nguy cơ nhiều dịch bệnh cùng bùng phát trong mùa mưa tại Đồng Nai là đang hiển hiện.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn cả là không chỉ có Đồng Nai mà còn nhiều tỉnh thành ở khu vực phía Nam (Cà Mau, Quảng Ngãi…) cũng đang ở trong tình trạng cùng một lúc phải đối phó với 2 dịch bệnh, SXH và TCM.
Tính từ đầu năm tới nay, cả nước có 22.800 ca mắc bệnh SXH (22 ca vong). Đặc biệt, dịch bệnh tay chân miệng đã tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2010 với 29.207 ca mắc (79 ca tử vong). |
Còn tại miền Bắc, số liệu thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm phát hiện 426 ca SXH, tập trung tại các địa phương: Hà Nội (287 ca), Thái Bình (40 ca), Nam Định (30 ca)... So với cùng kỳ năm 2010 (562 ca), số ca mắc SXH ở miền Bắc giảm 24%, tập trung ở người lớn (trên 15 tuổi).
“Tuy số ca mắc SXH trong 6 tháng đầu năm tại miền Bắc giảm so với cùng kỳ năm 2010 nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch SXH trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới quốc gia, nhận định.
Theo giám sát, chỉ số mật độ muỗi, vật trung gian truyền bệnh SXH tại một số địa phương vượt quá ngưỡng an toàn, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Mật độ dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng góp phần tăng thêm nguồn lây nhiễm. Đặc biệt, với kiểu thời tiết nắng nóng, mưa nhiều trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện cho muỗi, bọ gậy… phát triển và lây truyền dịch bệnh ra cộng đồng.
Về tình hình bệnh TCM, tuy số lượng ca bệnh ở miền Bắc vẫn chưa biểu hiện tăng đột biến, song một số chuyên gia y tế đầu ngành cho rằng không nên chủ quan về tình hình dịch này trong thời gian tới. Khi có tốc độ giao lưu lớn (giữa vùng có dịch và vùng không có dịch, học sinh tập trung vào mùa tựu trường…) thì nguy cơ lây truyền bệnh cho trẻ nhỏ là rất lớn.
“Ngoài dịch bệnh TCM, dịch SXH, người dân còn cần phòng tránh bệnh lây qua đường tiêu hóa (như tiêu chảy, tả), nhất là những địa phương thường xuyên xảy ra mưa lũ, ngập úng”, Ths Hoàng Nghĩa Đài khuyến cáo.
Vệ sinh sạch sẽ - Biện pháp phòng bệnh số 1
Theo Ths Hoàng Nghĩa Đài: “Bệnh TCM, bệnh tả, tiêu chảy… đều lây qua đường tiêu hóa. Do đó, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là cần thường xuyên vệ sinh bàn tay. Hiện tại chưa có vắcxin và thuốc đặc trị phòng bệnh SXH. Người dân cần mắc màn khi ngủ, thường xuyên đảm bảo vệ sinh môi trường bằng cách khơi thông cống rãnh, phát quang cây cối, loại bỏ những vật dụng chứa nước không cần thiết để hạn chế sự phát triển của bọ gậy, muỗi. Như vậy, nguy cơ lây lan dịch bệnh SXH ra cộng đồng mới được giảm thiểu.
Phun thuóc diệt muỗi tại các hộ dân ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Ảnh: Phương Vy-TTXVN |
Tại tỉnh Đồng Nai, ngoài việc tăng cường tuyên truyền và phối hợp giữa các ban ngành, tổ chức đoàn thể trong công tác phòng chống dịch bệnh, ngành y tế đang triển khai đợt II việc cấp phát thuốc khử khuẩn, hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường. “Kinh nghiệm sau khi phát thuốc khử khuẩn làm vệ sinh môi trường tại các trường học cho thấy, số lượng trẻ mắc bệnh TCM có giảm đi. Trong đợt II này, ngoài việc tiếp tục khử khuẩn môi trường, đồ chơi tại các trường học đã triển khai đợt I, chúng tôi còn phát thuốc khử khuẩn về các trạm y tế. Với sự tham gia của các tổ chức đoàn thể tại khu phố, thuốc khử khuẩn sẽ cấp phát tới những gia đình có trẻ dưới 6 tuổi (khoảng 150.000 hộ)”, Ths Hoàng Nghĩa Đài cho biết.
Về phía Bộ Y tế, từ ngày 10 - 31/8, 10 Đoàn công tác do Bộ Y tế thành lập bắt đầu triển khai kế hoạch đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh TCM tại 25 địa phương. “Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ tăng cường việc điều tra dịch tễ và lấy mẫu các trường hợp mắc bệnh TCM nặng, có biến chứng để làm xét nghiệm, giám sát sự lưu hành và theo dõi sự biến đổi của virút. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục chủ động thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các trường mầm non, nhà trẻ mẫu giáo, nhất là thời điểm trước, trong dịp khai giảng năm học mới…”, ông Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết.
Phương Liên