Thành phố Mexico City, thủ đô của Mexico, sáng chủ nhật nọ. Dù trời mưa nhưng nhiều người vẫn cầm ô đứng đợi, dưới chân họ là những túi đựng thùng sữa rỗng bằng các tông, chai nhựa, bìa cứng, sách báo cũ... Cơn mưa không làm giảm tâm trạng háo hức của họ với phiên chợ Mercado de Trueque, nơi họ đổi rác có thể tái chế lấy điểm rồi dùng điểm để mua thực phẩm và các sản phẩm khác.
Cân rác tại chợ Mercado de Trueque. |
Hai trong số những người đội mưa đến “chợ trao đổi” là cô Maria Fernanda Vasques và bạn gái Mina Moreno. Maria nói: “Thật tuyệt vì có nhiều lần tôi không biết phải làm gì với đống đồ này nhưng tôi cho rằng nếu vứt chúng đi thì thật vô trách nhiệm”. Cô bạn Moreno chia sẻ: “Chúng ta cần trả lại cho đất mẹ một thứ gì đó”.
Chợ Mercado de Trueque là một trong số nhiều chợ hình thành theo sáng kiến “xanh” của chính quyền Mexico City trong thời gian gần đây. Chợ họp hàng tháng và phiên đầu tiên mới bắt đầu năm 2012.
Mục đích của “chợ trao đổi” là làm sạch “siêu đô thị” Mexico City, nơi ở của 20 triệu dân và thải ra 12.000 tấn rác mỗi ngày, nơi từng bị coi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới cách đây hai thập kỷ. Chính quyền muốn nâng cao ý thức của người dân về giá trị và công dụng của những thứ mà nếu không có phiên “chợ trao đổi” này, nó sẽ nằm đâu đó trong các bãi rác của thành phố. Điều đáng mừng là phiên chợ ngày càng được nhiều người Mexico biết đến.
Khi người dân mang rác đến chợ, rác sẽ được một nhóm người cân và chất lên xe tải đang chờ trong khu vực để chở đến một nhà máy tái chế gần đó.
Tùy vào số lượng rác mang đến mà người đi chợ sẽ được thưởng số điểm tương ứng để mua hàng hóa ngay cạnh đó. Với mô hình này, nếu bạn mang rác đến, bạn sẽ mang về nhà một mặt hàng nào đó.
Phiên chợ đặc biệt khiến Andrea Gutierrez và bạn trai Alan Riestro rất thích thú vì đây là lần đầu tiên họ đi “chợ trao đổi”. Hai người mang theo rất nhiều chai lọ nhựa và báo cũ. Gutierrez khoe: “Chúng tôi đã mua củ cải và pho mát mà vẫn còn chừng 3 đến 4 USD để tiêu”.
Chợ Mercado de Trueque cũng có lợi cho những người sản xuất thực phẩm trong vùng, vì chính quyền mua toàn bộ sản phẩm của họ với giá cao hơn giá chợ thông thường để họ mang sản phẩm tới “chợ trao đổi”.
Năm 2012, mô hình chợ đổi rác lấy thực phẩm đã thu về hơn 170.000 tấn rác tái chế. Mô hình này được thực hiện sau khi chính quyền Mexico City cải tổ toàn diện công tác quản lý rác thải năm 2011, yêu cầu người dân phân loại rác hữu cơ và vô cơ, đồng thời đóng cửa một bãi rác khổng lồ tiếp nhận 6.000 tấn rác/ngày.
“Chợ trao đổi” là một hình thức khác giúp người dân phân loại rác. Chợ tiếp nhận hầu như đủ loại rác tái chế, từ bìa các tông, thủy tinh tới những đồ điện gia dụng như máy tính, máy chữ không còn dùng được.
Ít nhất 2.000 người tới “chợ trao đổi” mỗi tháng. Phiên chợ này không cố định ở một địa điểm mà quay vòng khắp nơi trong thành phố. Chỉ cần nhìn hàng người đang xếp hàng là có thể thấy được sức hút của chợ đổi rác lấy đồ ăn. Thậm chí, có người phải chờ hàng tiếng mới đến lượt.
Liliana Balcazar, một nhân viên chính quyền thành phố tham gia tổ chức phiên chợ, nhấn mạnh: “Mục đích của phiên chợ là giúp người dân hiểu rằng rác cũng có giá trị và có ý thức phân loại rác, chứ không phải là giải quyết vấn đề tái chế của thành phố”.
Thùy Dương