Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia có đến 53% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone sẽ tạo lực đẩy để thị trường thương mại điện tử bùng nổ trong tương lai. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế số cần phát triển tập trung và xây dựng kế hoạch cụ thể hơn chứ không chỉ dừng lại ở khía cạnh thông tin liên lạc và giải trí như hiện nay.
Trước tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế số và bối cảnh mở rộng nhanh chóng của không gian mạng, Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn bởi nhận thức còn hạn chế, kỹ năng sử dụng internet an toàn vẫn thấp, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ. Ngoài ra, hệ thống pháp luật cũng như các thiết chế thực thi, giải quyết tranh chấp và hiệu lực của cơ quan thực thi đều còn yếu và hoạt động thiếu hiệu quả khiến kinh tế số tại Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.
Bộc lộ hạn chế
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, cùng với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số là yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội và cơ cấu của nền kinh tế.
Theo đó, thị trường thương mại điện tử cũng được mở rộng và đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của số hóa và công nghệ thông tin đã trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số nói chung cũng như thương mại nói riêng.
Chính vì vậy, cho dù là người tiêu dùng hay doanh nghiệp thì khách hàng đang ngày càng trở thành trung tâm của nền kinh tế số, tất cả đều nhằm mục đích cải thiện cách thức phục vụ khách hàng; trong đó chú trọng vào trải nghiệm của khách hàng.
Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Cùng với đó, với sự thâm nhập ngày càng sâu rộng của internet, các thiết bị di động và mạng xã hội nên ngày càng nhiều cá nhân tham gia mạng thương mại điện tử.
Minh chứng cụ thể qua việc khảo sát mới đây của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cứ 1.000 người thì có tới 25% tham gia mua hàng trực tuyến qua mạng facebook hoặc zalo đã đưa Việt Nam xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng internet đông nhất thế giới.
Đánh giá từ giới phân tích cho thấy, Việt Nam đang phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh với sự phát triển của nền kinh tế số như vấn đề về mặt pháp lý, an toàn tấn công mạng về việc đảm bảo quyền riêng tư của người dùng.
Trong hệ sinh thái số, có ba thị trường nổi bật là viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Các doanh nghiệp viễn thông, internet ở Việt Nam đã phát triển liên tục và đạt mức doanh thu 6,1 tỷ USD. Hai ngành nghề này góp phần tạo ra hơn 851.000 việc làm cho xã hội.
Riêng với thương mại điện tử, một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số ở Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường. Quy mô ngành thương mại điện tử ở Việt Nam hiện ở mức 5,2 tỷ USD.
Ngoài ra, xu hướng sát nhập và mua lại (M&A) giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đã tăng trưởng đều cả ở giá trị và số lượng thương vụ. Tuy nhiên, đi đôi với các thương vụ này là các rủi ro an ninh mạng cũng tăng nhanh không kém.
Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) nhận định, trước thực trạng phát triển nhanh như vũ bão hiện nay của kinh tế số thì các hạ tầng về thanh toán điện tử, phân phối điện tử, nhân lực thương mại điện tử và công nghệ thông tin, an toàn an ninh thông tin còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Không những thế, một bộ phận lớn các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp thương mại điện tử còn chưa ý thức được hoặc chưa quan tâm thích đáng đến sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện đại.
Bởi doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều đang có cùng xuất phát điểm trong cuộc chơi công nghệ. Do đó, đây sẽ là công cụ quyết định trong cuộc chiến giành thị phần tại mảnh đất thương mại điện tử màu mỡ của Việt Nam.
Nội tại đeo đẳng
Theo Vecom, việc phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh là một nhiệm vụ cấp thiết giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Dù có nhiều tiềm năng nhưng đến nay Việt Nam vẫn còn tới hơn một nửa số doanh nghiệp trong nước chưa áp dụng công nghệ số.
Cùng với đó, các hình thức giao dịch, thanh toán dùng tiền mặt, trả tiền khi nhận hàng được áp dụng phổ biến vẫn đang là trở ngại lớn làm tăng chí phí cho cả xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh là một nhiệm vụ cấp thiết giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Khảo sát mới nhất của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp, dù một số doanh nghiệp ngành công nghiệp tiên phong (trong các lĩnh vực như dầu khí, điện…) chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với sự thay đổi của công nghệ, nhưng vẫn có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc. Không những thế, 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu.
Ông Trịnh Duy Hoàng, Công ty nghiên cứu thị trường Vietanalystic cũng chỉ ra rằng kinh tế số phát triển khá mạnh mẽ tại Việt Nam nhưng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ số chưa cao.
Điều này thể hiện qua việc nhiều doanh nghiệp vẫn thấy công nghệ số là thứ gì đó rất xa lạ, đa phần mới chỉ được nghe nói đến nhưng để ứng dụng kinh doanh nhờ vào công nghệ này vẫn không nhiều doanh nghiệp thực hiện, một phần do chi phí đầu tư.
Theo ông Trịnh Duy Hoàng, nhân lực đang là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay bởi những doanh nghiệp khởi nghiệp mới nổi trong lĩnh vực công nghệ thường tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đi lên từ hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể nên không đủ năng lực, nhân lực để tiếp cận công nghệ trong nền kinh tế số.
Do vậy, nếu phát triển kinh tế số tốt, Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuận tiện hơn với các mức chi phí thấp. Bởi, công nghệ mới với tính đột phá sẽ cho phép các chuỗi cung ứng kết nối và phân phối hiệu quả hơn đồng thời giảm thiểu chi phí về hậu cần và giao dịch.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định rằng, kinh tế số và thương mại điện tử đang làm cho thế giới thu nhỏ lại để các doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn lên, xóa bỏ được các bất lợi cố hữu khi tiếp cận được thị trường toàn cầu.
Dự kiến, đến năm 2020 tại Việt Nam sẽ có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, đạt 350 USD/người. Thương mại điện tử trên nền tảng di động và thương mại điện tử định vị sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới, chiếm 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu. Vì vậy, để khai thác mảnh đất nhiều tiềm năng này cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bởi đây là mắt xích quan trọng giúp thương mại Việt Nam phát triển.
Bài 2: Tối ưu hóa mô hình