Phát triển bền vững biển, đảo

Triều Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc vào thế kỷ XIX


Ngày 4/12, tại thành phố Huế, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học "Triều Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc vào thế kỷ XIX", với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia Hà Nội, các Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế.


Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Biển đảo giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử dân tộc, nhất là chủ quyền đối với các quần đảo trên Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Các vua triều Nguyễn bấy giờ đã xác lập và khẳng định chủ quyền của nước ta đối với biển đảo Tổ quốc bằng việc huy động một lực lượng lớn bao gồm quan chức của các cơ quan Trung ương Nội các, Bộ Công, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Giám thành Khâm thiên giám, thủy sư... phối hợp với quan chức địa phương và ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định hàng năm thực thi công vụ Hoàng Sa như vẽ bản đồ, kiểm kê tài nguyên trên đảo, đo đạc hải trình, cắm cọc tiêu, trồng cây, dựng miếu, cắm bia chủ quyền, xây dựng hệ thống kho tàng, đồn lũy, đặt trạm thu thuế, quan trắc thiên văn và dự báo thời tiết. Có thể nói, triều Nguyễn là triều đại đã vẽ nên một hình thể lãnh thổ đất nước thống nhất từ đất liền đến biển đảo để có một nước Việt Nam hoàn chỉnh hiện nay.


Sau khi dẫn sử liệu đề cập đến ngôi chùa có tên Hoàng Sa tự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa là do cai đội Phạm Văn Nguyên, cùng lính và phu dân hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi chuyên chở vật liệu từ đất liền ra xây dựng, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Có thể nói đến thời Nguyễn, chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thiết lập và thực thi một cách đầy đủ và toàn vẹn, không có sự tranh chấp nào. Chính vì vậy, khi đánh chiếm được Việt Nam, Pháp đã mặc nhiên đặt quyền quản lý của chính quyền đô hộ lên hai quần đảo. Người Pháp đã cho xây dựng các đài khí tượng, trạm quan trắc và cắt đặt lính đồn trú trên các đảo.


Đánh giá về vị trí chiến lược của biển đảo dưới triều Nguyễn, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lưu Trang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh: Trong suốt quá trình tồn tại, các vị vua triều Nguyễn đều nhận thức biển đảo có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn vong của triều đại, với an ninh quốc gia, dân tộc. Nó được xem là nhân tố, là cơ sở để phòng thủ, bảo vệ quốc gia từ xa trước sự dòm ngó của bên ngoài, nhất là các nước phương Tây. Đó cũng chính là một trong những yếu tố tác động đến ý thức hướng biển và chủ trương tăng cường phòng thủ biển đảo của triều Nguyễn.

Quốc Việt

 

Giao lưu “Thắm tình quân dân vì chủ quyền biển, đảo”


Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Học viện Hải quân tổ chức giao lưu “Thắm tình quân dân vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ của Hội nghị “Học sinh, sinh viên xuất sắc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch học tập và làm theo lời Bác” lần thứ 3/2013 đang diễn ra tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.


Hơn 200 học sinh, sinh viên xuất sắc của 26 trường đại học, cao đẳng, trung cấp tham gia giao lưu đã mang đến những tiết mục ca nhạc phong phú, đặc sắc của sinh viên các trường nghệ thuật cùng học viên nhà trường sôi nổi, nồng ấm nghĩa tình. Đây là cơ hội cho các học sinh, sinh viên hiểu thêm về truyền thống cũng như phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ-người chiến sỹ Hải quân” trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Anh Mão

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN