Phát huy lợi thế vùng Tây Nguyên: Động lực từ cơ chế

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh (Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và Lâm Đồng) là vùng kinh tế đặc thù với nhiều tiềm năng nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định, việc tiếp tục có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với vùng là rất quan trọng nhằm khuyến khích phát huy những lợi thế và hạn chế dần những khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.


Khuyến khích mở rộng đầu tư


Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành những văn bản quy phạm pháp luật làm hành lang pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động như đầu tư, hỗ trợ ngân sách nhà nước, thuế, tín dụng, phát triển nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến… trong đó quy định trình tự thủ tục, ưu đãi cụ thể đối với từng lĩnh vực, địa bàn và phạm vi vùng Tây Nguyên.

 

Kiểm tra sản phẩm chỉ thun ở công đoạn cuối tại Công ty cổ phần chỉ thun Đắk Lắk (DARU THREAD). Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Tuy nhiên, để có cơ chế khuyến khích đặc thù, tạo động lực khai thác được những lợi thế của Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù và ưu đãi phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020.


Theo Dự thảo Quyết định, đối tượng áp dụng là các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, tổ hợp tác, hộ gia đình và cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực; hộ nghèo và cận nghèo đang cư trú tại địa phương. Các lĩnh vực được khuyến khích bao gồm đầu tư xây dựng các công trình thủy điện nhỏ công suất dưới 30KW, đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm áp dụng công nghệ mới phù hợp với địa phương... Việc phát triển các lĩnh vực trên cần phải tuân thủ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.


Dự thảo Quyết định cũng nêu rõ, một số cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho cộng đồng, tổ hợp tác, hộ gia đình và cá nhân đầu tư, phát triển năng lượng được hưởng ưu đãi áp dụng tín dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và được hưởng các chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định hoặc được hỗ trợ tối đa 50% lãi suất tiền vay nhưng không quá 6%/năm tính trên số tiền vay thực tế giải ngân khi vay vốn tại ngân hàng thương mại để đầu tư; thời gian hỗ trợ tối đa không quá bảy năm tính từ ngày ký hợp đồng vay vốn; thời gian kết thúc hỗ trợ lãi suất tiền vay chậm nhất ngày 31/12/2020.


Cần phát huy hiệu quả


Tại hội thảo “Lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Quyết định” để chuẩn bị trình Thủ tướng xem xét đã có nhiều ý kiến đề xuất, nghiên cứu và bổ sung phát triển vùng cây nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến như giấy, cà phê, cao su, hạt điều và mở rộng các vùng sản xuất công nghệ cao; cần mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, quy định cụ thể các đối tượng hưởng hỗ trợ…


Hầu hết các đại diện UBND và Sở Kế hoạch và Đầu tư đều đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng ra các tỉnh giáp ranh với Tây Nguyên. Không nên khuyến khích, ưu đãi chính sách để xây dựng các công trình thủy điện nhỏ và cơ chế hỗ trợ Tây Nguyên phải có mặt bằng chung với cả nước… Theo ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, cần mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi ra các tỉnh giáp ranh với Tây Nguyên, ví dụ như: Một số huyện miền núi của Khánh Hòa giáp ranh với vùng Tây Nguyên.


Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, đây là chính sách ưu đãi và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên chứ không phải là chính sách hỗ trợ người nghèo vì Chính phủ đã có quá nhiều chính sách cụ thể trên cấp quốc gia như Chương trình 135, 30a… các ngân hàng cũng đã có các chính sách cho vay với các đối tượng này.


Ông Hoàng Chính Nghĩa, Vụ Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương cũng đề xuất, dự thảo nên bổ sung nội dung khuyến khích đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu khoáng sản cũng như cây nguyên liệu cho ngành công nghiệp nhẹ, bởi đây là những lĩnh vực mà các tỉnh Tây Nguyên có nhiều tiềm năng. Cùng với quan điểm trên, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề xuất, việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ cho những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, vì thế, dự thảo cần bổ sung nội dung khuyến khích các tổ chức, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư những vùng sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao.


Cây dược liệu là một trong những thế mạnh của vùng đất Tây Nguyên nhưng chưa được đề cập khuyến khích việc đầu tư trong Dự thảo. Đánh giá hiệu quả kinh tế của cây dược liệu so với những loại cây khác cho thấy, một ha cây dược liệu cho thu nhập tương đương khoảng mười ha cây cao su, vì vậy cần bổ sung cây dược liệu vào lĩnh vực khuyến khích đầu tư, ông Nguyễn Đình Bắc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum đã cho biết như vậy.


Đối với quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng Tây Nguyên, ông Cát Quang Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện việc quy định thiếu rõ ràng, không cụ thể đang gây khó cho các ngân hàng. Ông Dương cho biết, với việc đề xuất đối tượng “tổ chức” và “cộng đồng” trong dự thảo Quy định là chưa cụ thể và không được nhắc đến trong các văn bản quy định đối tượng cho vay của các ngân hàng. Thực tế, các ngân hàng cho vay đều yêu cầu điều kiện vay khác nhau dành cho các đối tượng vay cụ thể và Ngân hàng Nhà nước cũng không thể chỉ đạo các ngân hàng phải cho vay nên việc quy định thiếu rõ ràng đang gây khó cho các ngân hàng. Ngược lại, cũng vì bất cập này mà các đối tượng cũng khó có thể tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng.


Bên cạnh những đề xuất trên, việc mở rộng nhiều lĩnh vực đầu tư khác cũng được hầu hết các ý kiến đồng thuận, dự thảo đã cơ bản bao hàm hết được các nội dung khuyến khích đầu tư phát triển các lĩnh vực tại địa bàn Tây Nguyên nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng.


Thúy Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN