Pháp chiếm dinh lũy cuối cùng của phiến quân Mali

Quân đội Pháp ngày 30/1 tuyên bố đã giành quyền kiểm soát sân bay tại thị trấn Kidal và tiếp tục triển khai lực lượng để xác lập quyền kiểm soát tại thành trì cuối cùng của phiến quân Hồi giáo tại miền bắc Mali.


 

Xe quân sự Pháp triển khai ở sân bay Timbuktu ngày 29/1/2013 sau khi thành phố Timbuktu được giải phóng.

 

Đây được coi là chướng ngại cuối của chiến dịch “Mèo rừng châu Phi” - với mục tiêu giành lại quyền kiểm soát toàn bộ các thị trấn đông dân ở miền bắc Mali do phiến quân kiểm soát và cắt đứt nguồn cung ứng hậu cần của lực lượng này. Các nguồn tin địa phương cho biết quân đội Pháp đã triển khai 4 máy bay và một số trực thăng tới sân bay này và không vấp phải bất cứ sự phản kháng nào.


Hiện chưa rõ quân đội Mali có tham gia vào chiến dịch tại Kidal hay không bởi trước đó các tay súng người Tuareg thuộc Phong trào Quốc gia Giải phóng Azward (MNLA) tuyên bố đã kiểm soát thị trấn trọng yếu này sau khi phiến quân rút lui. MNLA muốn thiết lập khu vực tự trị, chỉ chấp nhận hợp tác với quân đội Pháp, không chấp nhận sự có mặt của quân đội chính phủ Mali.


Trong khi đó, trước tình hình mất trật tự an ninh và việc đối xử bạo lực với những người Hồi giáo vẫn tiếp diễn tại các thị trấn mới được giải phóng khỏi tay các phiến quân, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault ngày 29/1 kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) sớm triển khai một phái bộ quan sát viên quốc tế tới Mali để đảm bảo vấn đề nhân quyền.


Tại thị trấn Timbuktu, quán xá và các cửa hàng của người Arập, Môritani và người Angiê đã bị đập phá, cướp bóc vì bị cho là đã tiếp tay cho phiến quân. Tại thị trấn Gao, quân đội Mali đã triển khai chiến dịch khám xét từng nhà và bắt giữ tất cả những người Hồi giáo, kể cả những người bị nghi ngờ đã tiếp tay cho phiến quân Hồi giáo. Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã cáo buộc quân đội chính phủ Mali tiến hành chiến dịch báo thù bằng hành động bạo lực, thậm chí sát hại, nhằm vào những người ủng hộ phiến quân hoặc bị nghi ngờ là phiến quân Hồi giáo.


Chiến dịch của Pháp tại Mali tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn của quốc tế. Mỹ tuyên bố sẽ hỗ trợ thêm về vận tải trên không cho quân đội châu Phi. Canađa cam kết viện trợ thêm 13 triệu USD, điều động khoảng 500 lính để giúp huấn luyện quân đội Mali. Đức thông báo đóng góp thêm 20 triệu USD vào một quỹ của LHQ nhằm hỗ trợ quân đội Mali và cung cấp các trang thiết bị y tế, xe tải, máy dò kim loại cầm tay và nhiều trang thiết bị khác. Anh tuyên bố sẽ triển khai hơn 300 sĩ quan huấn luyện tới hỗ trợ quân đội Mali.


Cùng ngày, đặc phái viên của LHQ về vùng Sahel, ông Romano Prodi kêu gọi chính phủ Mali nhanh chóng tiến hành công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử tại nước này. Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mali Dioncounda Traore bày tỏ hy vọng sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 31/7 tới. Ông Prodi cho rằng Mali cần bắt đầu công tác chuẩn bị ngay từ bây giờ để các cuộc bầu cử có thể diễn ra ngay khi tình hình an ninh cho phép.


Lê Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN