Khi nguồn tài trợ của nước ngoài bị cắt giảm, người nhiễm HIV/AIDS sẽ phải chi trả chi phí điều trị. Việc triển khai Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ góp phần giảm gánh nặng cho bệnh nhân, đảm bảo tính bền vững của chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Giảm gánh nặng điều trị
Nhận thức được tầm quan trọng của BHYT đối với công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2013, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề án "Chương trình thí điểm triển khai BHYT cho bệnh nhân HIV” tại trung tâm y tế dự phòng quận - huyện và triển khai tại quận 8 và quận Thủ Đức với sự tài trợ của Tổ chức sức khỏe gia đình quốc tế. Việc triển khai đề án giúp cho bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS có thẻ BHYT được khám, chữa bệnh ngay tại trạm y tế phường và phòng khám ngoại trú của quận. Sau khoảng 1 năm thí điểm, hiện đã có khoảng 700 bệnh nhân ở 2 quận (chiếm 1/3 số bệnh nhân) tự nguyện mua BHYT.
Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái. |
Tại các trạm y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, đều đặn mỗi tháng một lần, các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS lại đến để được khám và phát thuốc ARV. Đây là những bệnh nhân được điều trị ổn định ở các phòng khám ngoại trú tại quận. Những bệnh nhân này, nếu có thẻ BHYT sẽ được BHYT chi trả những khoản phí không nằm trong dự án mở rộng điều trị HIV/AIDS. Bác sỹ Nguyễn Ngọc Vĩnh Phúc, Trưởng Trạm y tế phường Bình Chiểu cho biết, hiện trạm đang điều trị cho 13 bệnh nhân nhiễm HIV; trong đó, có 11 bệnh nhân có BHYT. Nếu không được tài trợ, chi phí điều trị cho một bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị ở phác đồ 1, trung bình một tháng tốn khoảng 500.000 - 700.000 đồng, đây là một khoản tiền lớn đối với những người bệnh có thu nhập không ổn định. Khoản chi trả của BHYT thực sự là "phao cứu sinh" giúp họ giảm bớt gánh nặng điều trị khi các nguồn tài trợ cho Chương trình phòng, chống HIV bị cắt.
Chị Ng. T. H, một bệnh nhân HIV đang tham gia BHYT chia sẻ: “Khi nghe sắp tới, kinh phí chương trình phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm tôi rất lo sợ, bởi chi phí điều trị cho HIV và các bệnh nhiễm trùng cơ hội rất tốn kém. Vậy nên, khi được tham vấn về tầm quan trọng của BHYT, tôi đã mua BHYT. Nhờ có thẻ BHYT, tôi vẫn được hưởng một số dịch vụ xét nghiệm cơ bản mà chương trình đã bị cắt giảm. Khi khám BHYT tại các trạm y tế, chúng tôi được các bác sỹ ở đây tư vấn và điều trị rất tận tình.
Theo BS Dương Minh Hải, Phòng chăm sóc điều trị - Ủy ban phòng chống AIDS TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có thẻ sẽ được BHYT chi trả các dịch vụ điều trị các bệnh liên quan đến HIV/AIDS như dịch vụ khám bệnh, xét nghiệm chẩn đoán HIV, thuốc điều trị kháng HIV, các bệnh nhiễm trùng cơ hội... Với trách nhiệm cùng chi trả, người bệnh sẽ có ý thức tuân thủ điều trị tốt hơn. Đặc biệt, điều trị ARV là điều trị liên tục và kéo dài suốt cuộc đời, do vậy tham gia BHYT sẽ giúp người nhiễm HIV giảm được gánh nặng về kinh tế do các chi phí khám chữa bệnh.
Tỷ lệ tham gia BHYT còn thấp
Lợi ích mà BHYT mang lại cho công tác điều trị HIV là thiết thực, nhưng đến nay số người nhiễm HIV tiếp cận được lại rất thấp, việc triển khai BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Chia sẻ về vấn đề trên, BS Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng trạm y tế phường 16, quận 8, cho biết từ năm 2012 trạm đã điều trị ARV cho 16 bệnh nhân nhiễm HIV do trung tâm tham vấn cộng đồng đưa về. Việc khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV cũng đã được triển khai từ 11/2013. Thế nhưng từ khi triển khai đến nay chỉ có 2 bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT khi đến khám và điều trị tại phường. Số bệnh nhân tự nguyện mua BHYT cũng rất thấp. Trong 16 bệnh nhân được điều trị thì chỉ có 4 bệnh nhân có thẻ BHYT. Đa số họ được đơn vị đang công tác mua BHYT, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, người nhiễm HIV/ AIDS cũng ít sử dụng thẻ BHYT khi khám bệnh. Thống kê sơ bộ trên địa bàn quận 8, chỉ có khoảng 35% bệnh nhân nhiễm HIV có BHYT.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức, đến nay, quận thủ Đức đã có 11 trạm y tế triển khai khám, chữa bệnh BHYT với 30 - 50% số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tham gia; khoảng 70% trong số đó sử dụng dịch vụ và được BHYT chi trả các khoản phí điều trị. BS Phúc, Trưởng trạm y tế phường Bình Chiểu cho biết, hiện nay, một số người nhiễm chưa tham gia BHYT là do hoàn cảnh khó khăn, làm việc tự do không có hộ khẩu và họ chưa biết được tầm quan trọng của bảo hiểm.
Theo các bác sỹ điều trị, nhiều dịch vụ điều trị HIV/AIDS đang được các chương trình, dự án hỗ trợ miễn phí. Do vậy, ngay cả hệ thống BHYT và cả người nhiễm HIV/AIDS đều chưa sẵn sàng tham gia và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT. Người nhiễm cũng chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về sự cần thiết của BHYT để được tiếp cận khám và điều trị bệnh nói chung cũng như với HIV. Không có tiền để mua thẻ BHYT, sợ bị lộ danh tính, bị kỳ thị và phân biệt đối xử… cũng là những “rào cản” lớn đối với nười nhiễm HIV. Mặt khác, các cơ sở khám chữa bệnh tuyến phường, xã cũng chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh HIV/AIDS.
Theo các chuyên gia y tế, để người nhiễm HIV được tham gia BHYT toàn diện, các cấp có thẩm quyền cần hoàn thiện hệ thống hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm. Song song đó, cần củng cố hệ thống tổ chức dịch vụ điều trị HIV/AIDS như thành lập cơ sở điều trị ARV đặt tại các bệnh viện để quản lý và điều trị ngoại trú cho người bệnh AIDS. Cần bảo đảm tính bền vững và đáp ứng đủ điều kiện để BHYT thanh toán. Việc thực hiện điều chỉnh mức đóng BHYT theo lộ trình thích hợp cũng sẽ giúp ích cho người nhiễm HIV sử dụng BHYT. Đặc biệt, phải tăng cường tuyên truyền để người nhiễm HIV nhận thức rõ tầm quan trọng khi tham gia BHYT.
Bài và ảnh: Đan Phương