Đang phải chịu nhiều áp lực cả trong và ngoài nước trong vấn đề Syria, ngày 5/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới thành phố St. Petesburg của Nga để tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G-20). Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 5/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy không nằm trong nghị trình chính thức, nhưng cuộc khủng hoảng Syria được dư luận tại Mỹ đánh giá là một chủ đề bao trùm lên hội nghị thượng đỉnh G-20. Tại đó, Tổng thống Obama sẽ có hàng loạt cuộc gặp tay đôi để vận động và thuyết phục các nước ủng hộ chủ trương của Nhà Trắng sử dụng vũ lực trừng phạt cái gọi là "quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường".
Trước khi ông Obama có mặt tại St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo chỉ Hội đồng Bảo an Liên hợ̣p quốc (HĐBA LHQ) mới có quyền cho phép sử dụng vũ lực đối với một quốc gia có chủ quyền và rằng mọi cuộc tấn công quân sự khi chưa được LHQ chấp thuận đều bị coi là "một cuộc gây hấn". Tổng thống Putin cũng để ngỏ khả năng Nga có thể thay đổi quan điểm và không loại trừ khả năng sẽ ủng hộ một nghị quyết của HĐBA cho phép dùng vũ lực nếu LHQ chứng minh được rằng chính quyền Damascus đã dùng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường Syria ngày 21/8 vừa qua.
* Nga: Bằng chứng về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria chưa thuyết phục
Tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị St. Petersburg, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga không thể sử dụng bằng chứng của Mỹ về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria vì chúng chưa thuyết phục. Ông Peskov nêu rõ Moscow không ngăn cản các nước khác đưa ra quyết định của mình nhưng khuyến khích các đối tác của Nga xem xét tình hình tại Syria "một cách có trách nhiệm" và không sử dụng cái gọi là chứng cứ để biện minh cho lý do hành động.
Các nhà lãnh đạo nhóm BRICS tham dự hội nghị bàn tròn tại Saint Petersburg bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, quan chức Trung Quốc tham dự hội nghị G-20 cảnh báo rằng một hành động quân sự của Mỹ chống Syria sẽ có tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là giá dầu mỏ.
Không chỉ Nga và Trung Quốc, ngay cả các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) một mặt xác định vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21/8 vừa qua ở ngoại ô thủ đô Damascus là "ghê tởm", nhưng mặt khác lại khẳng định không có một giải pháp quân sự cho cuộc nội chiến kéo dài hơn hai năm qua tại Syria. Phó Cố vấn an ninh Nhà Trắng Ben Rhodes phải thừa nhận không hy vọng mọi thành viên G-20 đều nhất trí với chủ trương của Mỹ dùng vũ lực giải quyết vấn đề Syria. Có lẽ chỉ có Pháp lên tiếng cam kết sẵn sàng tham gia hành động quân sự của Mỹ chống Syria.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Đặc phái viên LHQ về Syria Lakhdar Brahimi cũng có mặt tại St. Petersburg với sứ mệnh thúc đẩy tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, ủng hộ nỗ lực tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế về Syria mà Mỹ và Nga đã từng nhất trí.
Tổng thư ký Ban Ki-moon phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ở trong nước, mặc dù chủ trương của Nhà Trắng phát động chiến tranh chống Syria đã vượt qua cửa ải đầu tiên khi được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện phê chuẩn trong ngày 4/9, nhưng áp lực đối với chính quyền Obama vẫn còn rất lớn. Nhiệm vụ khó khăn của ông chủ Nhà Trắng là trong tuần tới khi Quốc hội nhóm họp trở lại, phải thuyết phục được một số lượng các nghị sỹ còn khá lớn phản đối hoặc chưa có ý định ủng hộ Mỹ can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến Syria. Không ít nghị sỹ Mỹ thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, bày tỏ tâm trạng hoài nghi về hệ quả của một cuộc tấn công có giới hạn trong khi một số nghị sỹ lo ngại Mỹ, quốc gia đang cố thoát ra khỏi hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan, lại có nguy cơ sa lầy vào cuộc chiến mới.
Ngay trong ngày 4/9 phát biểu khi bỏ phiếu tại Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Tom Udall mạnh mẽ phản đối việc Syria sử dụng vũ khí hóa học, nhưng cho biết ông bỏ phiếu chống vì không muốn nước Mỹ sa lầy vào cuộc nối chiến Syria. Thượng nghị sỹ Cộng hòa Marco Rubio cũng bỏ phiếu chống vì ông không tin sử dụng vũ lực sẽ có hiệu quả. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 5/9, Thượng nghị sỹ đảng dân chủ Barbara Mikulski, người chưa quyết định có ủng hộ phát động chiến tranh hay không, nói rằng bà vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề này.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn trên truyền hình, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld một mặt thừa nhận tin tình báo không đúng dẫn tới cuộc chiến Iraq đang tác động mạnh vào cuộc tranh cãi nội bộ chính trường Mỹ về Syria, mặt khác chỉ trích Tổng thống Obama là một nhà lãnh đạo kém hiệu quả trong vấn đề Syria.
Thuyết phục dân chúng Mỹ cũng là một thách thức lớn đối với ông Obama. Kết quả thăm dò chung công bố ngày 4/9 của tờ Bưu điện Washington và kênh truyền hình ABC News cho thấy có tới 59% số người Mỹ được hỏi ý kiến phản đối phát động chiến tranh chống Syria so với chỉ có 36% người tán thành. Kết quả thăm dò cùng ngày của tổ chức Pew cho thấy có 48% người Mỹ phản đối tấn công quân sự so với 29% ủng hộ chủ trương mà Nhà Trắng đang ra sức vận động.
TTXVN/Tin tức