Putin có cơ hội giành ưu thế tại Thượng đỉnh G-20

Chưa đầy ba tháng sau khi bị đẩy vào thế "lạc lõng" trong vấn đề Syria tại Hội nghị thượng đỉnh G-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cơ hội giành lại được ưu thế trước người đồng nhiệm Mỹ Barack Obama.

Vị Tổng thống Mỹ hiện đang ở thế tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề tấn công quân sự vào Syria để đáp lại cái gọi là hành vi sử dụng khí độc trong cuộc nội chiến, nên ông là người đang phải chịu nhiều áp lực hơn trước thềm cuộc họp thượng đỉnh G-20 tổ chức tại St Petersburg vào ngày 5-6/9 tới.

Tại cuộc gặp G-8 tại Bắc Ailen hồi tháng 6, ông Putin đã bị cô lập do sự ủng hộ của ông đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông giữ kiên định lập trường của mình và bác bỏ những lập luận của ông Obama cho rằng quân đội chính quyền Syria đã tiến hành tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8.

Tổng thống Mỹ, Nga gặp nhau bên lề Hội nghị G-8 tại Bắc Ailen, tháng 6/2013. Ảnh: AP


Tự tin trước những áp lực ngày càng tăng dồn xuống các nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp và Anh về vấn đề Syria, cựu điệp viên KGB giờ phản pháo lại ông Obama và gọi chính sách toàn cầu của Mỹ là một sự thất bại. Phát biểu với các phóng viên tại thành phố Vladivostok ngày 31/8, ông nói: "Chúng ta nên nhớ những gì đã xảy ra trong thập kỷ trước, số lần Mỹ khởi động các cuộc xung đột vũ trang ở nhiều nơi trên thế giới. Họ đã giải quyết được vấn đề nào chưa? Afghanistan, Iraq... Sau hết, ở đó chẳng có hòa bình, không nền dân chủ, điều mà các đối tác của chúng ta tìm kiếm".

Sau nhiều tháng bị gây áp lực phải "từ bỏ" ông Assad, ông Putin giờ đang gửi thông điệp tới phương Tây rằng ông sẵn sàng tranh luận về vấn đề Syria tại cuộc họp ở St Petersburg và ông có cơ hội "bóc mẽ" Hoa Kỳ. Ông nói: "Tất nhiên, G-20 không phải là cơ quan thẩm quyền hợp pháp chính thức. Nó không thay thế được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), không thể đưa ra quyết định về vấn đề sử dụng sức mạnh. Song đó là diễn đàn thích hợp để thảo luận vấn đề. Tại sao lại không tận dụng điều này?". Ông nói tiếp: "Có phải vì lợi ích của Mỹ mà phải một lần nữa phá bỏ hệ thống an ninh quốc tế, nền tảng luật pháp quốc tế? Điều đó có củng cố vị thế quốc tế của Mỹ không? Khó đấy".

Những phát biểu công khai đầu tiên của ông Putin liên quan tới những tranh cãi về việc sử dụng khí độc làm chết hàng trăm người ở những khu vực do quân nổi dậy Syria nắm giữ gây được ấn tượng sâu sắc. Mục đích của ông là dùng vấn đề Syria để làm chệch hướng những chỉ trích nhằm vào Kremlin tại cuộc họp sắp tới của 20 cường quốc phát triển và đang lên, mà trong đó bao gồm 5 thành viên thường trực HĐBA.

Ông Putin dường như cũng có ý định chĩa mùi dùi vào ông Obama, người đã hủy kế hoạch tham gia cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ dự kiến diễn ra trong tuần này sau khi Moskva bất chấp yêu cầu của Washington vẫn cấp quy chế tị nạn 1 năm cho Edward Snowden - người tiết lộ thông tin tình báo của Mỹ.

Dù nhà lãnh đạo Nga vẫn có nguy cơ đối mặt với những chỉ trích về luật cấm "phổ biến đồng tính" trong cuộc họp thượng đỉnh và cáo buộc của các nước khác về việc trấn áp phe đối lập để khẳng định quyền lực của mình sau các cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi ông lên làm tổng thống lần đầu tiên vào năm 2000, song căng thẳng liên quan tới khả năng tiến hành tấn công quân sự vào Syria đã biến ông Obama trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế hơn là ông Putin trước thềm hội nghị G-20.

Bất cứ hi vọng nào của phương Tây về việc Nga sẽ thay đổi lập trường sau việc sử dụng vũ khí hóa học (ở Syria) giờ xem ra đã trở thành thất vọng. Các quan chức Nga đã nhắc lại rằng Moskva, nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho ông Assad, có quyền cung cấp vũ khí như vậy và việc này không hề vi phạm luật pháp quốc tế. Từng ngăn chặn các nỗ lực tại HĐBA muốn lên án ông Assad và siết chặt lệnh trừng phạt đối với chính quyền Syria, Moskva cũng đã khẳng định rõ rằng họ không có ý định ủng hộ các động thái chống lại Damascus tại LHQ.

Ông Putin nói rằng việc tấn công bằng vũ khí hóa học có thể là đòn khiêu khích của quân nổi dậy chống lại ông Assad và nhằm hối thúc Mỹ can thiệp quân sự, và ông đã lợi dụng những lời chỉ trích của Washington trong vấn đề Syria để khơi dậy tình cảm chống Mỹ cũng như khuấy động sự ủng hộ của các cử tri Nga.

Thực tế, ông Putin có vẻ như tự tin hơn khi chứng kiến các vấn đề mà ông Obama phải đối mặt ngày một nhiều trong khi một số đồng minh của ông này cũng gặp khó khăn trong vấn đề Syria. Thủ tướng Anh David Cameron đang chịu áp lực sau khi nghị viện từ chối hậu thuẫn hành động quân sự, và Tổng thống Pháp Francois Hollande buộc phải chờ các nghị sĩ cho ý kiến sau khi ông Obama quyết định chờ Thượng viện thông qua kế hoạch tấn công Syria.

Người đứng đầu Điện Kremlin nói rằng việc Quốc hội Anh bỏ phiếu ngày 29/8 vừa qua là dấu hiệu cho thấy rằng ngay cả người dân ở những nước đồng minh thân cận với Mỹ cũng đang rút ra kết luận từ những gì mà ông mô tả là sai lầm trong chính sách đối ngoại của Washington. Bất cứ viễn cảnh nào có thể "làm xấu mặt" ông Putin nhằm buộc ông phải thay đổi lập trường trong vấn đề Syria xem ra ngày càng được bên ngoài cho rằng khó có thể xảy ra. Vị quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói: "Tôi không có cảm giác rằng Nga đang quá lo ngại về hình ảnh quốc tế của mình về mặt này. Họ tự hào khi đứng độc lập. Nga không rụt rè hay e ngại khi tới hỗ trợ Syria".


TTK
Những câu hỏi then chốt về Syria
Những câu hỏi then chốt về Syria

Khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố đánh bom các mục tiêu của Syria là việc phải làm và đề nghị quốc hội cho phép, cuộc khủng hoảng quốc tế về Syria bất ngờ chuyển hướng sang một cuộc chiến nội bộ nước Mỹ.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN