Hồ thủy điện Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) có diện tích hơn 8.000 ha; có điều kiện thuận lợi cho các loài thủy sản phát triển. Ngoài việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên mỗi năm được hàng trăm tấn, người dân thuộc diện tái định cư vùng hồ thủy điện còn tận dụng mặt nước để nuôi cá lồng; mang lại nguồn thu nhập thường xuyên, giúp bà con ổn định cuộc sống.
Người dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang ổn định cuộc sống bằng nghề nuôi cá lồng. |
Gia đình ông Chu Đình Minh, 58 tuổi, thị trấn Na Hang là một trong những hộ nuôi cá lồng sớm nhất và có số lượng lồng cá lớn nhất trên hồ thủy điện Tuyên Quang. Ông Minh cho biết: Trước đây, ông là cán bộ xã Vĩnh Yên - một trong bốn xã của huyện Na Hang bị ngập hoàn toàn và phải di dân toàn bộ khi nhà máy thủy điện Tuyên Quang ngăn nước. Chuyển đến nơi ở mới, ông Minh bắt tay ngay vào việc sản xuất. Lúc đầu, ông nuôi bò sinh sản nhưng do thiếu thức ăn và bãi chăn thả nên gặp nhiều khó khăn. Năm 2007, ông tham gia dự án nuôi cá lồng trên hồ thủy điện do tỉnh tổ chức và gắn bó cho đến nay. Bước đầu, ông gặp không ít khó khăn do vốn đầu tư tương đối lớn, thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá lồng khác hẳn so với nuôi cá ao.
Sau khi tham gia các lớp tập huấn do Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, Trung tâm thủy sản tỉnh Tuyên Quang và các tổ chức quốc tế tổ chức, cùng với sự ủng hộ của chính quyền địa phương và được ngân hàng cho vay vốn để đầu tư cơ sở vật chất, ông đã quyết định nuôi cá lồng. Hiện gia đình ông Minh đã có 20 lồng cá, trong đó có 10 lồng nuôi các loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá chiên, cá lăng. Ông Minh cho biết: “ Việc nuôi cá lồng cho thu nhập thường xuyên và cao gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp trước đây. Nếu đầu tư, chăm sóc cá tốt thì có thể làm giàu bằng nghề nuôi cá. Trên thị trường hiện nay, cá chiên có giá 500.000 đồng/kg, cá lăng 150.000 đồng/kg, cá trê phi, rô phi được bán với giá 40.000 đồng/kg. Năm 2012, gia đình tôi bán gần 2 tấn cá, trừ chi phí thu lãi khoảng 80 triệu đồng”.
Rời khu nuôi cá lồng của gia đình ông Chu Đình Minh, chúng tôi tới thăm Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản Hoa Sen, một trong 5 HTX nuôi trồng thủy sản của huyện Na Hang. Nhìn từ xa, những lồng cá nằm san sát bên nhau giống như những thửa ruộng nổi trên mặt nước. Chị Lê Thị Sen, Phó Chủ nhiệm HTX Hoa Sen, cho biết: Được thành lập từ năm 2008 với 10 xã viên, đến nay HTX đã thu hút được 15 xã viên, hầu hết là người dân tái định cư. HTX hoạt động dưới hình thức góp vốn rồi phân công xã viên chăm sóc, nuôi dưỡng cá, lợi nhuận được chia theo tỷ lệ góp vốn của mỗi người. Trung bình mỗi xã viên có thu nhập trên dưới 4 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Quý Quang, xã viên HTX Hoa Sen, cho biết: “Gia đình tôi thuộc hộ di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Trước kia cuộc sống của gia đình tôi khá khó khăn, nhà có 5 người chỉ có vài sào ruộng lại nuôi 3 người con đi học. Sau khi nuôi cá lồng, mức sống của gia đình được nâng lên rất nhiều. Ngoài việc chăm lo cho các con ăn học đàng hoàng, tôi còn sắm được nhiều đồ đạc trong nhà. Ngoài góp vốn tham gia HTX Hoa Sen, tôi còn nuôi riêng 5 lồng cá rô phi thương phẩm. Những lồng cá này được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ về chi phí lồng bè và hỗ trợ 70% chi phí con giống, thức ăn cho cá. Mới đây, tôi bán được 1 tấn cá với giá 40.000/kg, thu lãi hơn 30 triệu đồng”. Vụ cá tiếp theo, ông Quang dự định sẽ mở rộng quy mô lên 10 lồng cá và bắt đầu nuôi các loài cá đặc sản.
Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang Vân Đình Thảo cho biết: Trước năm 2010, toàn huyện Na Hang chỉ có vài hộ nuôi cá lồng thì nay đã tăng lên trên 50 hộ với gần 300 lồng nuôi. Để giúp người dân tái định cư ổn định cuộc sống bằng nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện, huyện Na Hang đã xây dựng kế hoạch quy hoạch thủy sản, đồng thời thành lập Trạm Thủy sản để tăng cường hiệu quả quản lý và xây dựng mô hình phát triển thủy sản. Bên cạnh đó, huyện vận dụng các chính sách của tỉnh và của Trung ương để đề xuất kinh phí triển khai các dự án thủy sản, đồng thời tăng cường tập huấn, đào tạo kỹ thuật - công nghệ mới cho người dân để thúc đẩy nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa bền vững.
Bài và ảnh: Quang Cường