Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, với 184 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có tới 7 huyện thuộc Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Với phương châm xây dựng NTM bền vững, từ năm 2012 tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương cho các địa phương lựa chọn 128 thôn, bản để chỉ đạo làm điểm xây dựng thôn bản NTM. Trong điều kiện là tỉnh rộng, nhiều xã miền núi đặc biệt khó khăn, Thanh Hóa đã ban hành tiêu chí thôn, bản nông thôn mới để triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới từ thôn, bản.
Người dân góp công làm đường giao thông nông thôn |
Mô hình thôn, bản NTM đầu tiên được Thanh Hóa triển khai ở thôn Tôm (xã Ban Công, huyện Bá Thước), với 100% dân số là đồng bào dân tộc Thái, sinh sống hoàn toàn dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với phương châm “dễ làm trước khó làm sau”, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp đã phân công các thành viên thường trực “cầm tay chỉ việc” cho từng người dân, vận động bà con tham gia hiến đất, làm hàng rào, chỉnh trang vườn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị canh tác. Theo quy định, Chương trình xây dựng NTM phải hoàn thành 19 tiêu chí, nhưng theo tiêu chí thôn, bản NTM, thôn Tôm chỉ phải thực hiện 14/19 tiêu chí.
Nhờ đó, việc đi lại của đồng bào được thuận lợi hơn. |
Thông qua nguồn lực kích cầu 90 tấn xi măng của huyện Bá Thước và Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, người dân bản Tôm đã hiến hơn 1.200 mét vuông đất, góp 1.650 ngày công, vật liệu và tiền mặt trị giá gần 350 triệu đồng... Thôn Tôm đã bê tông hóa 1,9 km đường nội bản, 200 mét đường trục chính nội đồng, xây mới 2 cổng chào, xây dựng thành công mô hình cấy lúa tiến bộ SRI kết hợp bón phân viên nén dúi sâu trên giống lúa lai thâm canh với quy mô 4 ha. Bên cạnh đó, còn hình thành, phát triển hàng chục mô hình chăn nuôi tổng hợp cá, gà thả vườn, vịt Cổ Lũng, lợn Móng Cái. Từng bước khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với du lịch sinh thái. Đến nay, thôn Tôm đã không còn nhà tạm, dột nát, thu nhập bình quân đầu người đạt 14,6 triệu đồng/người/năm.
Đối với những xã khó khăn, chưa có điều kiện thực hiện xây dựng NTM quy mô xã thì đây là cách làm sáng tạo, phù hợp với các địa phương miền núi trong tỉnh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thông qua chính sách kích cầu, hỗ trợ 2.215 thôn, bản thuộc các xã miền núi, mỗi thôn, bản 100 triệu đồng nếu đạt chuẩn NTM. Chính sách này như một luồng gió mới góp phần tích cực khích lệ các địa phương trong tỉnh tăng tốc hoàn thành các tiêu chí. Từ mô hình thôn Tôm, Thanh Hóa tiếp tục nhân rộng ra các thôn, bản khác. Tính đến 30/9/2015, Thanh Hóa đã có 39 thôn/bản đạt chuẩn NTM được các huyện công nhận, trong đó có 9 thôn/bản miền núi.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, mặc dù mức độ tiêu chí bình quân toàn tỉnh hàng năm tăng gần 1,5 tiêu chí/xã, nhưng tương quan giữa các tiêu chí đã đạt không đều. Phong trào xây dựng NTM cũng chưa đồng đều giữa các vùng, các huyện trong tỉnh và giữa các xã trong huyện. Các địa phương cần khắc phục khó khăn tập trung chỉ đạo xây dựng thôn, bản nông thôn mới, góp phần thực hiện tốt mục tiêu chung về chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Bài 2: Cả tỉnh chung sức xây dựng NTM