Đắk Nông khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Đắk Nông đã triển khai được 5 năm, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay, trung bình mỗi xã đã đạt từ 6-8 tiêu chí. Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu hết năm nay có 8 xã đạt NTM, tuy nhiên, với thực tế hiện nay, việc hoàn thành mục tiêu trong hai tháng cuối năm 2015 là điều không thể.


Theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Đắk Nông: Đắk Nông là tỉnh mới được thành lập hơn 10 năm (2004), là một tỉnh nghèo, miền núi với nhiều thành phần dân tộc, điểm xuất phát của các xã rất thấp, có nhiều xã mới thành lập trên cơ sở cụm, tuyến dân cư di cư ngoài kế hoạch, nên tại thời điểm thành lập, chưa đạt tiêu chí nào. Mặt khác, nhiều xã của tỉnh Đắk Nông có diện tích rộng lớn vài chục nghìn ha, dân cư sinh sống thưa thớt, không tập trung, nên việc đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng rất khó khăn, cần nguồn lực lớn. Như xã biên giới Quảng Trực của huyện Tuy Đức có diện tích lên đến hơn 56.000 ha, gấp hơn 10 lần các xã thông thường, nên việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đến từng thôn, rất khó khăn.



Ngân sách hạn chế ảnh hưởng đến chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông.

Đề án nâng cấp, sữa chữa cầu, đường của các thôn, bon, buôn là rất lớn, mà việc cứng hóa đường giao thông chưa nhiều, nên để đạt mức tối thiểu theo tiêu chí còn quá khó khăn. Trong khi dân cư sinh sống, phân bố thưa thớt và phần lớn là người nghèo, nên việc huy động nguồn lực trong dân để xây dựng đường giao thông nông thôn cũng gặp khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vì không huy động đủ nguồn lực nên hiện nay các xã của tỉnh Đắk Nông chỉ đạt trung bình 8,1 tiêu chí, có 2/61 xã đạt 15-18 tiêu chí.

Bất cập nhất trong việc xây dựng nông thôn mới tại Đắk Nông là nhà ở, khi phải bảo đảm các điều kiện 3 cứng: Cứng mái, cứng khung, cứng nền và có niên hạn sử dụng 20 năm trở lên; phải có đủ các công trình hạ tầng điện, nước sạch, vệ sinh môi trường, giao thông đi lại. Ông Nguyễn Thái Ban, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa cho biết: "Việc xây nhà theo NTM đạt thấp do thu nhập của người dân thấp. Cứ theo đà này, đến năm 2020, xã Đắk Nia cũng chưa thể đạt tiêu chí về nhà ở”.

Theo Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông: Tổng nguồn vốn đầu tư vào nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh trong 5 năm (2011-2015) khoảng hơn 5.500 tỷ đồng. Nhu cầu kinh phí đầu tư để các xã đạt chuẩn nông thôn mới là rất lớn (bình quân 350 tỷ đồng /xã trong khi thu ngân sách của tỉnh chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng/năm), nên tỉnh rất khó cân đối nguồn vốn.

Việc huy động sức dân còn khó khăn, bởi tỷ lệ hộ nghèo cao.

Theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Phó Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia NTM tỉnh Đắk Nông: Thời gian tới, tỉnh sẽ lồng ghép các chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư cho các lĩnh vực và kêu gọi các doanh nghiệp cũng như huy động các nguồn vốn tín dụng để đầu tư vào hạ tầng cũng như đầu tư vào sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hiện tại tỉnh Đắk Nông rất cần Trung ương hàng năm tăng mức hỗ trợ nguồn vốn để đối ứng với nguồn vốn đóng góp của người dân; nguồn vốn của Nhà nước trong việc xây dựng các công trình cần bố trí sớm để tạo sự khích lệ cho người dân trong việc đóng góp phần còn lại.

Ngọc Minh - Thanh Đạt
Doanh nghiệp phải là trung tâm trong xây dựng nông thôn mới
Doanh nghiệp phải là trung tâm trong xây dựng nông thôn mới

Đó là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn “Phát huy vai trò của Doanh nghiệp trong xây dựng Nông thôn mới” sáng 22/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN