Lào Cai là địa phương có nhiều lợi thế về quỹ đất, có nguồn gen động, thực vật phong phú; khí hậu thuận lợi để phát triển các loại rau, hoa, quả, thủy sản ôn đới và các loại đặc sản. Còn Hà Nội là một thị trường tiêu thụ rộng lớn với hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối dày đặc.
Chuyên canh sản xuất rau tại Lào Cai. |
Theo ông Ma Quang Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lào Cai, khác với các tỉnh miền núi khác, Lào Cai - Hà Nội tuy xa cách nhau 300 km, nhưng rất thuận lợi về giao thông đường sắt, đường bộ và kể cả đường thủy. Đặc biệt, khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động, thời gian vận chuyển sẽ giảm 1/2, chỉ còn hơn 3 tiếng đồng hồ. Do vậy, sự hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp thành công sẽ đem đến cho Lào Cai và Hà Nội nhiều lợi thế, đặc biệt là trong khâu giới thiệu và tiêu thụ nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của hai địa phương phát triển với quy mô lớn hơn.
Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Lào Cai, từ nay đến năm 2015, Lào Cai có kế hoạch chuyển đổi "sản xuất rau an toàn" hàng năm đạt 500 ha rau chuyên canh với sản lượng 30.000 tấn rau sạch/năm. Toàn bộ diện tích rau được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc rau hữu cơ, sử dụng các giống rau bản địa có thế mạnh, phù hợp với điều kiện vùng cao, góp phần đáp ứng nhu cầu rau chất lượng cao cho thị trường. Tỉnh cũng phát triển cây ăn quả ôn đới và cải tạo vùng mận Tam hoa, góp phần phát triển vùng cây ăn quả ôn đới theo qui mô gia đình; lựa chọn các hộ có đủ điều kiện sản xuất theo hướng trang trại với các loại cây nhập nội đã được khảo nghiệm tính phù hợp, có chất lượng tốt với quy mô 300 ha (gồm 250 ha lê VH6 và 50 ha đào Pháp) tại Sa Pa, Bắc Hà và một số xã vùng cao Bát Xát và thành phố Lào Cai.
Tỉnh cũng đã phê duyệt Dự án "Phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh chè bền vững", với mục tiêu tiếp tục mở rộng thêm diện tích vùng chè hàng hóa, phấn đấu đến năm 2015 đạt 4.600 ha, trong đó chè kinh doanh là 4.000 ha; sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 28.000 tấn/năm. Đối với nhóm nuôi gia súc và thủy sản, Lào Cai có dự án "Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững", với quy mô lớn và tập trung theo hướng công nghiệp tại thành phố Lào Cai và các huyện Bát Xát, Văn Bàn, mỗi cơ sở có quy mô trên 500 lợn nái sinh sản và 5.000 lợn thịt, để có ít nhất 15.000 con lợn, hàng ngàn tấn thịt bò, trâu thương phẩm cung ứng cho thị trường hằng năm.
Tỉnh cũng quy hoạch xây dựng một số vùng trọng điểm phát triển chăn nuôi gia cầm hàng hóa theo hướng trang trại tập trung; tận dụng nguồn nước dồi dào phát triển nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa; tận dụng khai thác lợi thế để chuyển giao kỹ thuật phát triển thành nghề nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi vân), phấn đấu sản lượng đạt trên 500 tấn.
Được biết, đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp của tỉnh Lào Cai và thành phố Hà Nội đã thảo luận và thống nhất ký kết biên bản hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2012 - 2015 với những nội dung chủ yếu là cung cấp thông tin và hỗ trợ lẫn nhau tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đối với một số sản phẩm: Rau, hoa, cây ăn quả, chăn nuôi…; cùng chuyển giao công nghệ về lĩnh vực mỗi bên có lợi thế; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, bốn lĩnh vực quan trọng mà ngành nông nghiệp Lào Cai và Hà Nội sẽ tích cực hợp tác trong thời gian tới, gồm: Phát triển nông - lâm nghiệp; thương mại, du lịch; xây dựng quy hoạch, đầu tư phát triển mới; đào tạo nguồn nhân lực.Đây là tin vui nhất đối với bà con trồng rau Sa Pa, bởi từ nay sản phẩm rau sạch của HTX sẽ có đầu ra ổn định và được các chuyên gia có tay nghề cao của Hà Nội tư vấn cách chăm sóc, bảo quản hàng hóa nông sản nói chung và rau hoa của HTX nói riêng.
Bài và ảnh: Lục Văn Toán