Những người “mù chữ” thời máy tính bảng

Lúc còn là một cậu học sinh cắp sách đến trường, như bao bạn bè đồng trang lứa, Akihiro Matsumura từng phải dành ra rất nhiều thời gian cặm cụi học chữ Kanji (Hán tự) trong tiếng Nhật.

 

Việc quá phụ thuộc vào máy tính bảng khiến Matsumura dần quên chữ viết tượng hình.

Nhưng khi lớn lên, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, Matsumura không còn phải hì hụi khổ luyện hàng giờ bên những trang giấy trắng. Giờ đây, những sản phẩm công nghệ hiện đại như chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng và laptop đã thay cậu cử nhân 23 tuổi làm công việc đó.


Với nhiều người, sự phát triển của khoa học công nghệ đã giúp giải phóng sức mạnh của trí óc. Họ có thêm nhiều thời gian hơn để dành cho những công việc hữu ích khác, ví dụ như học ngoại ngữ, thậm chí là cải thiện kĩ năng viết trên thiết bị công nghệ. Giáo sư luật Naoko Matsumoto của trường đại học danh giá Sophia, gần thủ đô Tôkyô cho biết các sinh viên trong lớp của bà đã có thể viết lưu loát hơn so với các bậc tiền bối. Bà nói: “Tôi thuộc thế hệ U40, so sánh với thế hệ của tôi, sinh viên giờ đây ngày càng có nhiều cơ hội để viết thông qua các trang mạng xã hội. Tôi nghĩ rằng kĩ năng viết của sinh viên đang thực sự được cải thiện”. Theo giáo sư Matsumoto, đó là một sự cải thiện theo hướng đơn giản và dễ hiểu hơn: “Kĩ năng viết chữ Kanji một cách hoàn hảo đang dần trở nên không quá cần thiết như trước đây”. Các thiết bị hiện đại sẽ giúp con người làm việc đó.


Chính vì sự tiện dụng của các thiết bị công nghệ mà phương pháp học trong lớp cũng thay đổi theo. Matsumura chia sẻ: “Đôi lúc tôi thậm chí còn chẳng phải bận tâm đến việc ghi chú trong các buổi hội thảo. Tôi chỉ cần lôi máy tính bảng của mình ra, chụp vài tấm ảnh về nội dung trên bảng”.


Mặc dù vậy, những người lạm dụng vào sự phát triển của công nghệ cũng phải trả giá cho sự tiện lợi mà đồ dùng công nghệ mang lại. Giống như hàng triệu người khác sử dụng hệ thống chữ tượng hình như tiếng Nhật hay tiếng Trung ở khu vực Đông Á, Matsumura đang dần quên đi thứ chữ anh từng dùi mài từ thuở bé, thậm chí với cả những kí tự dễ viết nhất. Việc phụ thuộc quá nhiều vào những thiết bị điện tử khiến anh lúng túng khi phải sử dụng đến chữ Kanji tại nơi làm việc. Matsumura nói: “Đôi lúc tôi không thể nhớ nổi phải viết chữ Kanji thế nào. Tôi chỉ có thể nhớ mang máng nhưng không nhớ được chính xác các nét”.


Với nhiều người, việc giới trẻ đang quên đi chữ viết mà ông cha họ đã sử dụng từ bao đời nay không chỉ là câu chuyện mặt trái của khoa học công nghệ. Đó còn là nỗi lo đánh mất một phần không thể thiếu của văn hóa và lịch sử dân tộc. Bà mẹ Rebecca Ko ở Hồng Công là một trong số những người như vậy. Bất chấp việc cô con gái 11 tuổi sử dụng máy tính ngày càng nhiều, Rebecca vẫn nhất quyết gửi con gái đến một lớp thư pháp chữ Hán để học chữ truyền thống.


Dẫu vậy, theo Tổ chức Kiểm tra năng lực chữ Kanji tiếng Nhật ở Tôkyô, vẫn không có bằng chứng nào cho thấy có sự sụt giảm trong việc học chữ Kanji và số lượng người tham gia một cuộc thi viết được tổ chức tại đây hàng năm vẫn ổn định ở mức khoảng 2 triệu người.


Quan trọng hơn cả, vẫn còn đó những người trẻ ham thích học loại chữ tượng hình này như Yusuke Kinouchi, một sinh viên 24 tuổi đã tốt nghiệp Viện Công nghệ Tôkyô. Theo Yusuke, trẻ em nên tiếp tục học chữ theo cách mà cha ông chúng vẫn học hàng trăm năm nay bởi vì chữ Kanji có tính hàm súc cao và trên tất thảy, lí do để nó tiếp tục tồn tại là vì đó là một loại chữ “xinh đẹp”.


Anh Minh (Theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN