Những chuyển mình thoát nghèo của người dân Sơn La

Gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, tại tỉnh Sơn La, nhất là ở các huyện nghèo, mức sống và thu nhập của các hộ nghèo đã được nâng lên đáng kể. Nhờ đó, diện mạo của bản làng nông thôn tại các huyện nghèo đã có nhiều khởi sắc. Phóng viên Tin tức đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh (ảnh) xung quanh vấn đề này.

 

Nhà trẻ thuộc điểm tái định cư Thống Nhất, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La).

 

´Là một trong những địa phương được hưởng lợi từ Chương trình 30a của Chính phủ, đến nay kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân nghèo ở Sơn La ra sao, thưa ông?


Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã thực hiện rất nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân như: hỗ trợ giao khoán khoanh nuôi, chăm sóc bảo vệ rừng; hỗ trợ gạo cho đồng bào ở các bản vùng biên giới; mở rộng chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề nâng cao dân trí...


Để hỗ trợ sản xuất cho bà con ở những huyện nghèo, tỉnh Sơn La đã thực hiện khá nghiêm túc việc hỗ trợ cho bà con vay vốn mua giống cây trồng triển khai xây dựng 17 mô hình chăn nuôi, hỗ trợ cho bà con hơn 6.000 con bò cái nền, gần 300 con dê.


Trong 5 huyện nghèo của tỉnh thì Sốp Cộp là huyện có đồng bào vùng biên giới nên được Sơn La đặc biệt quan tâm. Trong năm 2009, đã hỗ trợ 115.335 kg gạo cho 3.324 nhân khẩu của 499 hộ nghèo ở 23 bản trong 4 xã biên giới (Mường Và, Mường Lạn, Nậm Lạnh, Mường Lèo) trong thời gian chưa tự túc được lương thực (từ tháng 8 đến tháng 12/2009) với kinh phí là 1,2 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Huyện đã thiết lập hệ thống sổ sách theo dõi quản lý chặt chẽ công tác hỗ trợ hộ nghèo tại các xã, phát sổ lĩnh gạo cho từng hộ gia đình được hỗ trợ gạo.


Năm 2012 được phân bổ vốn là 1.720 triệu đồng, tỉnh Sơn La đã thực hiện hỗ trợ đến hết tháng 10/2012 được hơn 100 tấn gạo cho 408 hộ nghèo tại 21 bản biên giới, giúp các hộ gia đình hộ nghèo vùng biên giới ổn định đời sống…


Nhờ những chính sách này mà tỷ lệ hộ nghèo của từng huyện tại tỉnh Sơn La đã giảm rõ rệt. Nếu như tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 là 33% thì năm 2009 giảm còn 29% và 2010 là 25%. Qua kết quả điều tra sơ bộ vào năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm bình quân tại 5 huyện là 5,03%... Từ khi thực hiện Chương trình 30a đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của các huyện nghèo nói chung, mức sống và thu nhập của các hộ nghèo nói riêng đã được nâng lên đáng kể, diện mạo của bản làng nông thôn các huyện nghèo đã có nhiều khởi sắc, nhiều công trình phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được xây dựng kiên cố, khang trang và đã phát huy tốt hiệu quả.


´Thưa ông, là một trong những địa phương được hưởng lợi từ Chương trình 30a của Chính phủ, tỉnh Sơn La có nhìn nhận như thế nào về sự hỗ trợ của doanh nghiệp đối với địa phương?


Sơn La còn là một tỉnh nghèo, khả năng tự cân đối ngân sách và sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương còn hạn chế so với nhu cầu thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo. Những năm qua, nhờ nhận được sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ kịp thời của các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp, tỉnh Sơn La có thêm nguồn lực để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhân dân, đặc biệt là những khó khăn về hạ tầng và đào tạo. Mặc dù cũng gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của nền kinh tế, nhưng các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp, đặc biệt là Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đã tích cực tham gia các hoạt động hướng tới các đối tượng chính sách, đồng bào nghèo, miền núi, biên giới...


Năm 2012, VietinBank đã hỗ trợ tỉnh 50 tỷ đồng để xây dựng Trường THPT chuyên Sơn La và cải tạo, nâng cấp Trường THPT Gia Phù, Phù Yên. Đến nay, các nguồn tài trợ đang được UBND tỉnh sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Đồng thời, ViettinBank cũng quyết định tài trợ cho ngành y tế của tỉnh Sơn La 5 xe cứu thương, cùng với trang thiết bị y tế hiện đại trị giá 7,5 tỷ đồng… Với nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm của doanh nghiệp đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nghèo về mọi mặt, thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh.


´Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỉnh Sơn La còn gặp những vướng mắc gì, thưa ông?


Tỉnh Sơn La mong muốn Chính phủ nâng thời hạn cho các hộ nghèo vay vốn để mua giống gia súc hoặc phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, với lãi suất 0% từ 2 lên 5 năm; nâng mức vốn để mua gia súc tối đa từ 5 triệu đồng/hộ tăng lên 10 triệu đồng/hộ. Để góp phần nâng cao điều kiện cơ sở vật chất tại địa phương, tỉnh đã đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi cho các hộ cận nghèo; bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thị trấn, các huyện nghèo vì hiện nay các công trình đường giao thông, cấp nước sinh hoạt, một số trường học chưa được quan tâm đầu tư do ngân sách địa phương còn hạn chế. Ngoài ra, tỉnh Sơn La cũng đề xuất Chính phủ bổ sung thêm nguồn vốn vay cho các hộ nghèo bởi hiện nay 5 huyện nghèo của tỉnh rất cần vay vốn để phát triển.


Xin cảm ơn ông!


Minh Phương (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN