Những bác sĩ vùng cao hết lòng vì bệnh nhân

Họ là những bác sĩ ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc, nơi đời sống của người dân còn rất khó khăn, nhiều tập tục lạc hậu như chữa bệnh bằng cách nhờ thày mo cúng bái… còn tồn tại. Không ngại gian khó, hết lòng vì bệnh nhân, họ đã dần trở thành chỗ dựa tin cậy của đồng bào khi đau ốm.


Ốm cũng không rời bệnh nhân


Cuộc gặp gỡ của chúng tôi với bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Trưởng khoa Điều trị tích cực và Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên) diễn ra trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: Bác sĩ Dũng vẫn mặc áo blouse trắng, nhưng không phải đang điều trị cho bệnh nhân, mà chính anh phải nằm trên giường bệnh vì bị ốm nặng.

Bác sỹ Nguyễn Thế Dũng luôn tận tâm, chia sẻ khó khăn với bệnh nhân.


Nhưng điều đáng nói, là dù bị ốm, nhưng lúc nào có bệnh nhân, anh vẫn vừa ôm theo chai nước truyền, vừa đến tận từng giường bệnh để kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân… Hình ảnh ấy thật sự khiến chúng tôi và nhiều người nhà bệnh nhân rưng rưng cảm động…


Sinh ra tại miền quê nghèo của huyện Tuần Giáo (Điện Biên), tận mắt chứng kiến cuộc sống của đồng bào quê mình còn đói ăn, thiếu thuốc, anh Dũng đã quyết tâm theo học nghề y để chữa bệnh cứu người. Anh chia sẻ: “Tôi muốn góp chút sức lực nhỏ bé của mình để chữa bệnh cứu người, giúp bà con khỏe mạnh”.


Năm 1997, sau khi tốt nghiệp khoa Hồi sức cấp cứu, Đại học Y Dược Thái Nguyên, bác sĩ Dũng về công tác tại khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu thuộc Bệnh viện huyện Tuần Giáo. Trong quá trình công tác, anh luôn được lãnh đạo và đồng nghiệp đánh giá là một bác sỹ giỏi chuyên môn, hết lòng vì người bệnh. Năm 2004, bác sĩ Dũng được chuyển về khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Anh luôn được đánh giá cao về chuyên môn, năng lực quản lý và được cử đi học thạc sĩ tại Hà Nội. Sau đó, anh được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu và nay là khoa Điều trị tích cực và Chống độc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Trong suốt thời gian công tác tại đây, bác sĩ Dũng luôn rất mực chuyên cần. 17 năm công tác trong nghề y, nhưng anh chỉ mới 4 lần nghỉ phép, còn lại anh chỉ dành thời gian cho bệnh nhân và công việc tại bệnh viện.

Bác sỹ ở Trạm y tế Hát Lót khám cho người bệnh.


Hầu hết người nhà bệnh nhân khoa Điều trị tích cực và Chống độc đều đánh gia cao sự ân cần, hòa nhã của bác sĩ Dũng. Chị Lò Thị Vinh, người nhà của một bệnh nhân đang điều trị tại khoa cho biết: “Với bệnh nhân, bác sĩ Dũng là người thầy thuốc rất tận tình, tâm huyết, luôn quan tâm chia sẻ khó khăn và đời sống riêng của mỗi bệnh nhân. Bác sĩ thường xuyên quan tâm, động viên người nhà và bệnh nhân, giúp chúng tôi vượt qua sự lo lắng, hoang mang. Mấy ngày nay, bác sĩ Dũng bị ốm nhưng vẫn vừa truyền nước vừa điều trị cho bệnh nhân. Chúng tôi rất cảm động và hoàn toàn tin tưởng vào bác sĩ”.


Bác sĩ Dũng chia sẻ: “Bác sĩ là người đem lại sức khỏe cho tất cả mọi người, cũng là người nắm trong tay sinh mạng của bệnh nhân. Bởi vậy áp lực hằng ngày rất lớn, nhất là đối với những bệnh nhân nguy kịch, khi đứng giữa sự sống và cái chết, người bác sĩ cần phải tỉnh táo, sáng suốt mới có thể làm tốt công việc của mình. Chúng tôi học y là để cứu người, nhưng đôi khi cũng phải bất lực nhìn bệnh nhân chết ngay trước mặt mình. Nhìn người nhà của họ đau khổ chúng tôi cũng ứa nước mắt. Nhìn bệnh nhân trở về từ cõi chết, phục hồi và được ra viện an toàn, chúng tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm”.


Năm 2014, bác sĩ Dũng là một trong hai bác sĩ được Sở Y tế tỉnh đề nghị lên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng danh hiệu “Thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2013”. Đó là sự ghi nhận với những đóng góp trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân của bác sĩ Dũng trong suốt thời gian vừa qua.


Đồng bào đã tin tưởng vào trạm y tế


Theo chân các cán bộ Trạm y tế xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, chúng tôi đến bản Hoa Quỳnh - một trong những bản tái định cư còn nhiều khó khăn. Y sỹ Nguyễn Thị Liên, Trạm trưởng cho biết: Người dân trong bản có thói quen khi bị đau ốm tự chữa bệnh ở nhà, đến khi bệnh nặng mới đưa đến cơ sở y tế. Điều này gây nên rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị. Khắc phục tình trạng này, mỗi tháng cán bộ của trạm xuống tận bản để tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu về những lợi ích của việc phát hiện và điều trị bệnh sớm, để người dân chủ động đưa người bệnh đến cơ sở y tế.


Đồng bào bản Hoa Quỳnh vốn là cư dân bản Ít, xã Pha Kinh, huyện Quỳnh Nhai (vùng lòng hồ thủy điện). Năm 2008, 54 hộ dân này đã di chuyển đến bản Hoa Quỳnh, nhường đất cho dự án thủy điện Sơn La. Được sự quan tâm của Nhà nước, đến nay đời sống của bà con cơ bản ổn định. Hệ thống điện lưới quốc gia, hệ thống nước sạch, đường giao thông thuận tiện. Đặc biệt là dịch vụ y tế đã về tới tận bản, người dân được khám chữa bệnh nhanh chóng và thuận tiện hơn.


Chị Hoàng Thị Lơ, một người dân trong bản chia sẻ: “Trước đây mỗi lần đi khám bệnh vất vả lắm, nhất là mùa mưa. Nhưng giờ thì khác rồi, trung tâm y tế ở ngay gần bản, các cán bộ ở đây lại nhiệt tình nên bà con rất an tâm”.


Ông Lò Văn Lim, Trưởng bản Hoa Quỳnh, cho biết: Trước đây, mỗi khi có người bị bệnh, gia đình đều phải đi tìm thầy mo, thầy cúng hoặc tự chữa bệnh ở nhà bằng lá cây rừng, chứ ít khi đưa đến cơ sở y tế. Khi chuyển đến đây được các cán bộ y tế về tận bản tuyên truyền, khám và cấp phát thuốc, bà con dân bản đã tin tưởng để đến trạm y tế chữa bệnh. Tập tục có bệnh mời thầy mo, thầy cúng đã không còn nữa.


Với sự tận tâm của các cán bộ trạm y tế và đội ngũ y tế thôn bản, công tác khám, chữa bệnh có nhiều bước tiến tích cực, mang lại niềm tin cho người dân. Năm 2013, Trạm y tế xã Hát Lót đã khám, điều trị cho gần 6.800 lượt bệnh nhân, số trẻ em dưới 6 tuổi được uống vitamin đạt 98%. Công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em được đảm bảo, trên địa bàn không có dịch bệnh lớn nào xảy ra.


Cũng giống như ở bản Hoa Quỳnh, công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con tái định cư ở bản Trai, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu cũng được các cấp chính quyền rất quan tâm. Theo ông Lù Văn Inh, nhân viên y tế của bản, khi mới chuyển về đây, nhiều người trong bản, đặc biệt là trẻ em bị sốt nhẹ do không quen với khí hậu. Được sự chăm sóc của các nhân viên y tế, bà con đã tin tưởng vào đội ngũ y, bác sỹ. Hiện tất cả các hộ trong bản đều tham gia bảo hiểm y tế, khi có bệnh đều tự giác đi đến cơ sở y tế để khám và điều trị nên công tác khám, chữa bệnh của các nhân viên y tế cũng đỡ vất vả hơn.


Ông Đỗ Tiến Dũng, Trưởng phòng Tổ chức đời sống thuộc Ban Quản lý dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La cho biết, khi người dân chuyển đến nơi ở mới, nhân viên y tế cũ của bản vẫn được giữ nguyên. Những nơi nào chưa có nhân viên y tế bản, Ban Quản lý bổ sung ngay để có thể chăm lo cho sức khỏe của người dân một cách tốt nhất. Hiện nay, tất cả các bản tái định cư thủy điện Sơn La đều có nhân viên y tế, người dân đều được tham gia bảo hiểm y tế và tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại.


Xuân Tư - Công Luật

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN