Như còn đây bóng hình Bác

Những ngày đầu tháng 5 năm 2013, chúng tôi có cuộc hành trình từ vùng quê Đất Tổ Phú Thọ đến quê hương cách mạng ATK Thái Nguyên. Theo những địa chỉ lịch sử nơi Bác Hồ kính yêu dừng chân để xây dựng căn cứ địa cách mạng trong những tháng ngày gian khổ của dân tộc, chúng tôi như được sống lại không khí lịch sử của dân tộc, như vang vọng lời Người trong trái tim mình…


Cổ Tiết ngày ấy Bác về


Cổ Tiết (Tam Nông - Phú Thọ), nơi cách đây hơn 60 năm, Bác Hồ kính yêu trong hành trình lên Việt Bắc xây dựng căn cứ kháng chiến đã dừng chân. Con đường trải dài theo những cánh đồng lúa bát ngát từ thành phố Việt Trì dẫn chúng tôi về xóm nhỏ Cổ Tiết, nơi có khu lưu niệm Bác và lưu giữ những câu chuyện, những kỷ niệm về Người trong những ngày Bác sống và làm việc ở đây. Mùa xuân năm 1947 trong hành trình di chuyển từ Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc chỉ đạo kháng chiến, vùng đất Cổ Tiết đã được vinh dự đón Bác.

Hồ Chủ tịch thăm nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đang thu hoạch vụ lúa đầu tiên sau cải cách ruộng đất (1954). Ảnh: TTXVN.


Sáng ngày 4/3/1947 xe đưa Bác và các đồng chí cùng đi từ Trung Hà lên đến xóm Bà Triệu ở nhà cụ chủ điền Nguyễn Liên, ở đây nhà to, xây gạch rộng rãi nhưng Bác chỉ ở lại một đêm. Chiều tối ngày 4/3/1947 Bác chuyển lên làng Cổ Tiết cách đền Bà Triệu 2 km đến ở nhà ông Hoàng Văn Nguyện.


Theo sử sách ghi lại và lời kể của người già ở Cổ Tiết, trong những ngày ở đây, Bác đã dành thời gian đọc “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, nghiên cứu cách đánh giặc của các anh hùng dân tộc, nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo của Đảng cần nghiên cứu kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của các thế hệ cha anh đi trước, vận dụng trong cuộc kháng chiến chống pháp hiện tại, nhắc nhở anh em phục vụ phải có tác phong quân sự sinh hoạt gọn nhẹ để có thể di chuyển nhanh và cũng tại đây Bác đã đặt tên cho các đồng chí trong đội cận vệ của Bác là: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi. Người giải thích cho anh em hiểu ý nghĩa của việc đặt tên như vậy là để nhắc nhở Bác nhiệm vụ quan trọng nhất trong lúc này là cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiến hành cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Chính nơi đây, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” và với bí danh “Xuân” Bác đã soạn thảo, công bố nhiều tài liệu, văn kiện quan trọng. Bác đã ký một số sắc lệnh, chỉ thị, thư điện quan trọng chỉ đạo cuộc kháng chiến.


Tưởng nhớ công lao của Người, tưởng nhớ vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Cổ Tiết đã dựng nên ngôi đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay chính mảnh đất ngày xưa Bác đã ở có cây thị Bác vẫn thường ra tập thể dục mỗi buổi sáng tinh sương. Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với tổng diện tích hơn 2.400 m2 đã được quy hoạch tổng thể với nhiều hạng mục công trình: Nhà tưởng niệm, nhà lưu niệm trưng bày một số kỷ vật của gia đình ông Nguyện, nhà bia ghi dấu sự kiện lịch sử, cổng, sân vườn... Khu lưu niệm đã đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, tôn vinh công lao sự nghiệp vĩ đại của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và nhân dân ta. Cây thị ở sân nhà tưởng niệm vẫn xanh tốt và tỏa bóng mát khắp khu vườn. Về Cổ Tiết những ngày tháng 5, chúng tôi như vang vọng đâu đây lời dạy của Bác, hình bóng vị cha già dân tộc in đậm trong trái tim mỗi người.


Về Khau Tý theo bước chân Người


Đồi Khau Tý xã Điềm Mặc huyện Định Hóa (Thái Nguyên), khu di tích lịch sử gắn liền với sự kiện cách mạng quan trọng của Bác Hồ và Trung ương trong những ngày đầu dừng chân nơi ATK, lập Thủ đô kháng chiến. Vào đêm 19, rạng sáng ngày 20/5/1947, Bác về Định Hóa và đặt chân đến xã Điềm Mặc. Nhân dân ở đây đã chuẩn bị sẵn mọi điều kiện để đón Bác, bởi người dân được tuyên truyền và hiểu rất rõ sự cơ mật và tầm quan trọng của Bác đối với vận mệnh dân tộc lúc bấy giờ. Lúc bấy giờ, xã đã cắt cử 7 người dựng lán trên đồi Khau Tý để Bác ở và làm việc. Vì vậy, sau một đêm nghỉ tại nhà sàn của cụ Ma Đình Tương, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Định Hóa, hôm sau, Bác chuyển lên lán nhỏ trên đỉnh đồi Khau Tý. Với địa hình cao, cây cối um tùm rậm rạp, xung quanh là cánh đồng lúa cùng con suối Đình chảy ào ào đêm ngày rất thuận tiện cho việc giữ bí mật và công việc cách mạng của Bác.

Hồ Chủ tịch thăm một gia đình nông dân thôn Lâm Xuyên, xã Trung Nghĩa, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang (8/2/1955).Ảnh: TTXVN.


Còn đây, lán Khau Tý nơi Bác ở và làm việc. Căn lán nhỏ, đơn sơ nằm trên một khoảng đất bằng được thiết kế theo mô hình nhà sàn của đồng bào Tày. Tuy nhiên căn lá có một số chi tiết khác biệt để phù hợp với yêu cầu cách mạng. Vị trí tiếp giáp với mặt đất là rất ngắn và có cửa hậu phía sau nhà. Theo đồng bào nơi đây, đó là cách bố trí để khi có sự biến, có thể nhảy xuống nhanh hoặc rút theo lối cửa sau. Ngay cạnh lán của Bác, có hai cây cổ thụ đã nhiều năm tuổi vẫn tỏa bóng mát xuống mái tranh. Đó là cây đa trắng và cây trám đã rêu phong.


Phía sườn đồi, còn đó, đường hầm, đường hào được đồng bào bố trí đào ngay khi Bác về ở và làm việc. Đường hào tuy không sâu nhưng được thiết kế theo một đường có nhiều phương án trú ẩn. Chính nơi đây, những ngày tháng gian khổ của năm 1947, Bác đã tự tay soạn thảo những sắc lệnh và vạch ra những kế sách quan trọng liên quan đến cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp. Bác đã viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc” để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bồi dưỡng đạo đức, tác phong cho cán bộ đảng viên. Những điều Bác viết trong cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” bây giờ còn nóng hổi tính thời sự.


Mải suy tư về căn lán nhỏ của Người, chúng tôi bỗng giật mình khi lắng nghe được những âm thanh quen thuộc như gọi buổi chiều vàng Khau Tý. Đó là tiếng lốc cốc mõ trâu của đám trẻ bên ven sườn núi phía sau lán, tiếng suối róc rách phía dưới chân quanh những thửa ruộng đang óng vàng. Chúng tôi bỗng nhận ra phong cảnh nơi đây tuy bình dị nhưng rất đỗi hữu tình, thơ mộng. Chẳng thế mà, trong những ngày tháng cam go của cuộc kháng chiến, những vần thơ của Bác vẫn lộng gió nơi đây. Dù trăm công nghìn việc, Bác vẫn làm thơ để ghi lại những tháng ngày gian khổ và cổ vũ đồng bào trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Bài thơ Cảnh khuya nổi tiếng thất ngôn tứ tuyệt của Bác ra đời nơi núi rừng này: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.


Giữa những cây măng đắng san sát nhau, giữa những cây cổ thụ tỏa bóng, chúng tôi chợt nhận ra khóm râm bụt đỏ đang đơm hoa trước lán của Bác. Sau phút ngỡ ngàng, chúng tôi nhận ra điều thiêng liên trong khóm hoa này, bởi râm bụt như biểu tượng cho sự gần gũi của làng quê, của quê hương xứ sở được Người lưu giữ trong trái tim ở bất kỳ nơi nào. Từ trên đỉnh đồi Khau Tý lịch sử, nhìn xuống Điềm Mặc, quanh cảnh xóm làng dường như không thể bình dị và thanh bình hơn được nữa bởi chon von bên ven suối là những căn nhà sàn từ bao đời nay vẫn ấm cúng trong mỗi gia đình cư dân Tày, con suối Đình uốn lượn quanh đồng lúa bát ngát đang trĩu nặng bông. Thấp thoáng đâu đó trên sườn đồi là tán lá cọ đứng tự bao giờ trên triền đất Việt Bắc này. Chúng tôi như hòa mình vào không khí của Việt Bắc những buổi ngày xưa.


Cả khu rừng Khau Tý này toàn bộ là đồi măng. Đây là loài măng cực đắng, luộc đến ba lần vẫn đắng ngắt. Theo người già ở đây kể lại, ngày Bác ở đây, măng mọc nhiều, vì thế Bác thường dùng măng đắng luộc chấm muối vừng ăn với cơm. Nghe câu chuyện này, chúng tôi cảm nhận được sự giản dị mà vĩ đại trong con người Bác. Đó là sự đồng cam cộng khổ đến quên mình của Bác với đồng bào nơi đây.


Chia tay Điềm Mặc, tiết trời những ngày hè tháng 5 tuy oi nồng nhưng chúng tôi ai ai cũng thấy dịu mát bởi trong lòng chúng tôi dâng lên niềm kính yêu vô bờ bến với lãnh tụ, tự hào về một Việt Bắc, một địa chỉ đỏ để thế hệ trẻ hướng về nuôi dưỡng ý chí và nghị lực. Bác đã đi xa nhưng dường như, ở miền quê Cổ Tiết và đồi Khau Tý lịch sử, trong niềm tự hào của mình, chúng tôi như thấy được, cảm nhận được từng giọng nói ấm áp, từng bước chân của Người.

Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN