Ngày 14/5, lực lượng nổi dậy mang tên Tập hợp Các phong trào Azaward (CMA) do người Tuareg dẫn đầu đã ký tắt Thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc giữa Chính phủ Mali và các nhóm vũ trang ở miền Bắc. Tuy nhiên, CMA nhấn mạnh cần phải có những thay đổi trước khi nhóm này chính thức ký thỏa thuận nhằm chấm dứt hàng thập kỷ xung đột ở quốc gia châu Phi này.
Cảnh sát Mali phong tỏa khu vực xảy ra một vụ tấn công khủng bố. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Phóng viên TTXVN tại Algeria dẫn lời ông Bilal Ag Cherif, lãnh đạo CMA, nêu rõ việc ký tắt văn kiện trên về mặt pháp lý khác hoàn toàn với việc ký một thỏa thuận toàn diện. Ông này cũng khẳng định CMA sẽ không tham gia lễ ký chính thức Thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc dự kiến diễn ra vào ngày 15/5 tại thủ đô Bamako của Mali.
Trong một tuyên bố tại Bamako, CMA cho biết quyết định ký tắt thỏa thuận trên được đưa ra nhằm "tôn trọng các cam kết trước đó của nhóm vũ trang này cũng như các nhà trung gian quốc tế với mục đích tiếp tục giám sát việc thực thi thỏa thuận, kể cả sau khi ký thỏa thuận cuối cùng".
Thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc Mali đã được ký tắt vào ngày 1/3 vừa qua giữa chính phủ nước này và 7 nhóm vũ trang nổi dậy ở miền Bắc, dưới sự bảo trợ của nhóm trung gian hòa giải quốc tế do Algeria đứng đầu. Tuy nhiên, liên minh vũ trang Tuareg từ chối ký với lý do đề nghị của họ về quyền tự trị không được đưa vào văn kiện này, đồng thời yêu cầu có thêm thời gian để tham vấn.
Tổng thống Pháp François Hollande đã hoan nghênh CMA ký tắt thỏa thuận trên. Ông Hollande cũng đánh giá cao vai trò trung gian hòa giải của Algeria cũng như tất cả các nước và các tổ chức quốc tế đã tham gia vào tiến trình hòa bình tại Mali. Ông Hollande kêu gọi các bên chính thức ký thỏa thuận này và thực thi một cách nghiêm túc.
Lễ ký chính thức thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc sẽ được tổ chức tại Bamako vào ngày 15/5. Lãnh đạo nhiều nước dự kiến tham dự sự kiện này.
TTXVN/Tin tức