Đây là nhận định của các chuyên gia tại Triển lãm dược phẩm Ấn Độ và giao lưu doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ ngành dược phẩm do Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Dược phẩm Ấn Độ (PHARMEXCIL) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 21/1.
Ông K. Srikar Reddy, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia nền kinh tế phát triển nhanh và năng động ở châu Á, thu nhập người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu chăm sóc sức khỏe có chất lượng đang tăng lên.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một điểm đến thu hút đối với khách du lịch quốc tế và du lịch chăm sóc sức khỏe. Lượng khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam đạt hơn 15,49 triệu trong năm 2018 với tốc độ tăng trưởng 19,9% so với năm 2017. Số lượng trung tâm chăm sóc sức khỏe đang tăng lên để phục vụ sự gia tăng của khách du lịch nước ngoài. Do đó, Việt Nam là thị trường quan trọng đối với các sản phẩm thảo dược và dược liệu Ấn Độ.
Trong khi đó, Ấn Độ hiện đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng sản phẩm dược phẩm và thứ 14 trên toàn thế giới về giá trị. Các công ty dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ đã nhận được các chứng nhận quốc tế từ Mỹ, EU, Australia...
Ngoài ra, ngành sản xuất thiết bị y tế, thiết bị phẫu thuật và máy móc dược phẩm đã nổi lên như một hiện tượng tại Ấn Độ. Quy mô thị trường thiết bị y tế ở Ấn Độ hiện có giá trị 5 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt 11 tỷ USD vào năm 2022. Thiết bị y tế được sản xuất tại Ấn Độ hiện được xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.
Một lợi thế khác là tất cả các phân khúc thiết bị y tế đều có thể sản xuất tại Ấn Độ từ giá trị thấp đến thiết bị y tế cao cấp phục vụ cho nhiều nhóm người tiêu dùng khác nhau.
Ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI-HCM cho biết, ngành dược phẩm Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sản xuất dược phẩm Việt Nam chủ yếu là sản xuất đơn giản, phục vụ trực tiếp cho tiêu dùng trong nước và gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài. Sản lượng dược phẩm sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 52% nhu cầu thực tế, còn lại đều phải nhập khẩu.
Trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 60.000 tấn dược phẩm, chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Năm 2018 giá trị nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam là khoảng 3 tỷ USD.
Theo ông Võ Tân Thành, ngoài thành phẩm, Ấn Độ còn cung cấp nguyên liệu dược phẩm, dược liệu chung cho thị trường Việt Nam. Các sản phẩm thuốc và nguyên liệu thô được nhập khẩu từ Ấn Độ có giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu đa dạng cho người Việt Nam, đặc biệt là những người ở vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam cũng mong muốn hợp tác kêu gọi đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả Ấn Độ nhằm thu hút nguồn vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, khả năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ trong ngành dược phẩm là rất rộng mở.
Ông Ramesh Anand, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp Ấn Độ có mối quan tâm ngày càng tăng trong việc đầu tư và kinh doanh với Việt Nam bởi đây là một thị trường tiềm năng và là cầu nối để tiếp cận toàn bộ khu vực Đông Á.
Tính đến cuối năm 2018, Ấn Độ đã đầu tư vào 209 dự án lớn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 878,5 triệu USD, đứng thứ 29 trong số 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Ramesh Anand, trong lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế, Ấn Độ xác định Việt Nam là thị trường quan trọng và nhiều tiềm năng. Do đó, các doanh nghiệp Ấn Độ không chỉ mong muốn đẩy mạnh thương mại sản phẩm dược phẩm sản xuất tại Ấn Độ mà còn tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào việc xây dựng các nhà máy sản xuất ngay tại Việt Nam.
Bên cạnh hợp tác thương mại, đầu tư Ấn Độ với lợi thế về khả năng sản xuất dược phẩm số lượng lớn và đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm cũng có thể hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật và chuyển giao công nghệ sản xuất vắcxin, thiết bị y tế, nguyên liệu dược phẩm từ đó tạo điều kiện cho ngành dược Việt Nam phát triển hơn nữa trong tương lai.