Huyện cũng đã xây dựng được 3 cửa hàng thực phẩm sạch, 4 bếp ăn tập thể, 2 chợ an toàn thực phẩm và 1 xã đã đạt chuẩn an toàn thực phẩm.
Để thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn huyện miền núi Bá Thước, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong năm 2019, huyện Bá Thước đã treo 768 băng rôn khẩu hiệu, 300 tờ gấp, 50 áp phích tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Huyện cũng tổ chức 6 lớp tập huấn với 580 lượt người tham gia, thành lập 15 chốt/trạrn kiểm soát thực phẩm, 205 tổ giám sát cộng đồng thôn/phố, thanh tra 347 cơ sở và xử lý 109 cơ sở vi phạm, cấp 172 giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ, vận động 2.204 cơ sở ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hiện huyện Bá thước đã xây dựng được nhiều mô hình, chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn gồm chuỗi rau quả an toàn thực phẩm tại xã Điền Lư liên kết với các cửa hàng an toàn thực phẩm, Hợp tác xã rau an toàn Điền Lý, mô hình giết mổ an toàn với công suất giết mổ 35 con gia súc/ngày đêm.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã thực hiện mô hình chợ an toàn thực phẩm gồm chợ Điền Lư và chợ thị trấn Cành Nàng, mô hình cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, mô hình bếp ăn tập thể trường mầm non và hoàn thành 1 xã đạt chuẩn về an toàn thực phẩm, hiện cuộc sống và sức khỏe của người dân địa bàn ngày càng nâng cao nhờ được sử dụng thực phẩm an toàn.
Tại Xã Điền Lư, giai đoạn 2016-2019, xã đã hướng dẫn bà con sản xuất thực phẩm an toàn để cung ứng cho các tiểu thương, nhà hàng quanh vùng. Nhờ đó, xã đã hoàn thành 16 tiêu chí an toàn thực phẩm và được công nhận xã đạt chuẩn an toàn thực phẩm vào năm 2018, hiện xã đã có 6 mô hình, chuỗi an toàn thực phẩm gồm chuỗi rau quả an toàn, mô hình bếp ăn tập thể, mô hình chợ và mô hình giết mổ an toàn thực phẩm, trong đó điển hình là mô hình chuỗi rau quả an toàn đang cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người dân quanh vùng.
Ông Lê Chí Dũng, thôn Điền Lý, xã Điền Lư cho hay, nhờ được xã hỗ trợ hơn 12 triệu tiền kinh phí để cải tạo lại đất, vào đầu năm 2018 gia đình ông và các hộ dân khác đã xây dựng được mô hình trồng rau an toàn, kết hợp chăn nuôi, kinh doanh vận tại. Để thực hiện mô hình ông Dũng đã nhập các giống cây như mướp, rau, lạc, mùng tơi, cà pháo, khoai về trồng. Nhờ cố gắng trông công việc, đến nay gia đình ông đang có 500 m2 rau sạch, 2 sào lúa, 3 sào mía và chăn nuôi 200 con gà và vịt, ông cũng kinh doanh thêm dịch vụ vận tải, thu nhập bình quân của gia đình ông đạt 400 triệu/năm. Đối với sản phẩm sau sạch, Hợp tác xã Điền lý đã thu mua và bán lại cho các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch quanh vùng.
Chị Hoàng Thị Hoài Nhi, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Điền Lư cho biết: vào năm 2016, cửa hàng chị được UBND huyện Bá Thước cấp giấy công nhận là cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Đến năm 2018, ngoài buôn bán thực phẩm, cửa hàng chị bắt đầu buôn bán thêm sản phẩm rau củ quả an toàn, nguồn hàng được nhập từ vùng sản xuất rau an toàn của người dân tại xã Điền Lư và Hợp tác xã rau an toàn Điền Lý để bán cho người dân. Hiện thu nhập mỗi năm của gia đình chị từ kinh doanh thực phẩm an toàn vào khoảng 300 triệu/năm.
Ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Điền Lư cho biết, xã đã xây dựng chuỗi cung ứng rau an toàn với 15 hộ dân tham gia, chuỗi rau này đã được Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ngoài ra, xã cũng đã xây dựng được 1 của hàng, 1 bếp ăn, 1 chợ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Vũ Đình Hảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bá Thước cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình, các chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như gạo, thịt lợn, rau và ưu tiên xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, không sử dụng hóa chất độc hại. Đồng thời, huyện cũng hướng dẫn các xã, thị trấn chỉ đạo cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm, ứng dụng quy trình thực hành nông nghiệp VietGAP, GlobalGAP.
Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn và tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản của huyện đến các nhà phân phối, cửa hàng, siêu thị kinh doanh thực phẩm an toàn và đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm thông qua các chương trình, hội nghị, hội chợ giao thương, kết nối cung cầu. Qua đó, giúp bà con có nguồn thực phẩm sạch sử dụng, ổn định sức khỏe.