Nhà chùa bảo tồn và phát huy tiếng Khmer

Hàng năm, vào dịp hè, các chùa ở huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) lại tổ chức các lớp dạy tiếng Khmer cho học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer. 

Đây là hoạt động có ý nghĩa trong việc bảo tồn, phát huy ngôn ngữ, văn hóa dân tộc; đồng thời, giúp các em dân tộc Khmer có thêm những không gian sinh hoạt lành mạnh và thiết thực.

Cô Thị Ước tình nguyện tham gia dạy chữ Khmer cho con em đồng bào.


Huyện Vĩnh Thuận có 5 chùa tổ chức dạy chữ Khmer vào dịp hè. Từ năm 2009 đến nay, các chùa Chắc Băng Cũ, Chắc Băng Mới, Kinh Hai, Đồng Tranh, Kè Một đã mở được 30 lớp, với khoảng 1.500 con em đồng bào Khmer trong huyện đến học chữ. Giáo viên là các vị sư, thành viên ban quản trị chùa giỏi tiếng Khmer đứng lớp và có nhiều năm tu học. Học sinh chủ yếu là từ lớp 1 - lớp 5, được chia làm 2 buổi để học.

Thượng tọa Danh Cảnh, trụ trì chùa Chắc Băng Mới cho biết, số lượng học sinh đến học tăng qua từng năm; mỗi năm tăng khoảng 60 em. Dù là lớp học được tổ chức trong thời gian nghỉ hè, thông thường chỉ kéo dài khoảng hơn 2 tháng, nhưng năm nào cũng thu hút rất đông con em đồng bào đến học. Năm nay, chùa Chắc Băng Mới tiếp nhận hơn 250 học sinh, đông nhất từ trước đến nay. Điều này càng khẳng định tiếng nói, chữ viết, văn hóa truyền thống dân tộc đang được thế hệ trẻ phát huy và giữ gìn. Chùa còn dành riêng nguồn quỹ để mua sách, báo tiếng Khmer cho các học sinh đọc. Hiện chùa này có trên 2.000 quyển sách và nhiều loại báo tiếng Khmer phục vụ việc dạy và học, nâng cao kiến thức của học sinh.

Thày giáo cũng chính là các nhà sư trong chùa.


Để khuyến khích các em học tập tốt, trước khi vào học, nhà chùa đều hỗ trợ tập viết cho học sinh. Theo thượng tọa Danh Cảnh, để tổ chức lớp, cứ đến hè, Ban quản trị chùa họp lại nhằm chuẩn bị về vật chất, nhân lực… để tổ chức lớp. Bên cạnh đó, vận động "mạnh thường quân" tặng các em quần áo, sách vở, cặp…

Em Danh Kỳ, ngụ ấp Kinh Hai, xã Tân Thuận, tâm sự: “Trước đây, em không biết đọc, viết hay nói tiếng Khmer. Nhưng 2 năm nay, học xong các lớp do chùa tổ chức em đã đọc, viết và nói tiếng Khmer thành thạo”.

Còn em Danh Beo, ngụ cùng ấp, cho biết: “Theo học hai năm nay, em đã thành thạo tiếng Khmer. Em ước mong sau này có thể thành giáo viên dạy chữ Khmer, giúp nhiều người Khmer khác thành thạo tiếng mẹ đẻ”.

Trong số các giáo viên đứng lớp, có rất nhiều người chủ yếu là tình nguyện dạy, không đòi hỏi thù lao hay bồi dưỡng vật chất. Ông Danh Tương, ngụ ấp Kinh Hai, nói: “Tôi dạy tiếng Khmer ở các chùa đã gần 9 năm nay, chỉ mong bỏ công sức để góp phần giữ gìn tiếng Khmer”.

Dù lớp học chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng chất lượng học tập của các em luôn được các nhà chùa chú trọng. Đó là chương trình giảng dạy luôn được đổi mới, giáo viên ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy. Ông Danh Bi, Trưởng phòng Dân tộc huyện Vĩnh Thuận, cho biết, việc dạy và học chữ Khmer luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, thực hiện. Hàng năm, tỷ lệ học sinh dân tộc Khmer hoàn thành chương trình tiểu học và trung học cở sở luôn đạt 100%. Số lượng sinh viên dân tộc Khmer của huyện đỗ các trường cao đẳng, đại học ngày càng nhiều.

Những lớp dạy chữ Khmer ở huyện vùng sâu Vĩnh Thuận là việc làm thiết thực và có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần giữ gìn, phát huy tiếng nói, chữ viết Khmer.

Lê Sen
Răm Bot Bay Srây trong lễ cưới  của người Khmer Nam Bộ
Răm Bot Bay Srây trong lễ cưới của người Khmer Nam Bộ

Người Khmer Nam Bộ có đời sống văn hóa đặc trưng hết sức đa dạng và phong phú. Lễ cưới truyền thống của người Khmer Nam Bộ diễn ra trong ba ngày với rất nhiều nghi thức liên quan đến Phật giáo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN