Do tập quán nuôi nhỏ lẻ và thả rông gia cầm trên sông rạch, đồng ruộng, kết hợp với tình hình giết mổ nhỏ lẻ nên tỉnh Hậu Giang khó quản lý dịch bệnh trong điều kiện dịch cúm A/H5N1 đang có nguy cơ tái phát.
Hầu hết các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đều có rất nhiều hộ nuôi vịt thả trên đồng ruộng hoặc sông rạch với số lượng nuôi từ vài chục đến vài trăm con/đàn.
Những hộ nuôi vịt chạy đồng với số lượng lớn từ vài trăm con/đàn trở lên thì còn báo với chính quyền địa phương và tích cực hưởng ứng tiêm phòng dịch bệnh; còn những hộ nuôi nhỏ lẻ với số lượng vài chục con/đàn thì ít hoặc không báo với địa phương và ngành chức năng; đồng thời cũng không quan tâm đến công tác tiêm phòng mỗi khi tái đàn. Nhiều hộ còn ngang nhiên rào chắn lưới dọc trên kênh rạch để thả vịt làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, nguy cơ dịch bệnh phát tán là hiển hiện.
Trên các tuyến kênh rạch thuộc các huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, Châu Thành A…, tình trạng các hộ dân thả vịt trên sông rạch rất phổ biến, làm cho nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, trong khi vẫn còn rất nhiều người dân sử dụng nước sông để sinh hoạt. Lý do chủ yếu được người dân đưa ra đó là trên địa bàn vẫn chưa có quy định cấm nuôi, thả vịt trên sông rạch.
Cần triển khai tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh cúm A H5N1 và cúm A/H7N9 cho người dân. (Ảnh: Dương Ngọc- TTXVN) |
Ông Lâm Văn Tư ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp cho biết: “Tình trạng nuôi vịt thả dưới sông quanh năm làm cho nguồn nước luôn ô nhiễm, nhưng gia đình tôi vẫn phải dùng nước sông để sinh hoạt, nếu không thì lấy nước đâu mà dùng”.
Không những nuôi vịt thả rông, thả lan gây ô nhiễm môi trường nước, mà tình trạng giết mổ nhỏ lẻ tại các chợ cũng rất khó kiểm soát. Tại huyện Châu Thành A có tổng số 13 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhưng không có cơ sở nào đạt đủ các điều kiện về vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáng lo ngại nhất là các lò giết mổ đặt ngay trong khu dân cư hoặc ngay tại chợ, nên nguy cơ làm lây lan dịch bệnh rất cao.
Ông Lê Minh Chánh, chủ cơ sở giết mổ gia cầm tại thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A có cơ sở giết mổ nằm ngay sát chợ, trong khu dân cư, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và đã hoạt động từ nhiều năm nay với số lượng giết mổ hàng chục con/ngày. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao gia đình không xây dựng lò giết mổ tập trung quy mô lớn đạt chuẩn nằm ngoài khu dân cư, thì ông Chánh cho biết: “Không có vốn và không có đất để làm”.
Không riêng gì tại thị trấn Rạch Gòi, mà hầu hết tại các chợ xã, huyện trên địa bàn Hậu Giang, thì chợ nào cũng có bán gia cầm sống và khi khách hàng có yêu cầu thì người bán sẵn sàng giết mổ gia cầm ngay tại chỗ bán. Gia cầm sống chưa qua kiểm soát và các phụ phẩm sau khi làm xong được các tiểu thương đổ xuống sông, rạch hoặc đưa vào các bãi rác ven chợ làm ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 56 lò giết mổ tập trung, trong đó theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra thì không có lò giết mổ nào đạt loại tốt, mà chỉ có 6 cơ sở đạt loại B, còn lại tất cả các cơ sở đều không đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Trần Thành Lập, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Hậu Giang cho biết: “Tình trạng nuôi gia cầm thả rông, thả lan, nhỏ lẻ trong từng gia đình, tình trạng giết mổ thiếu tập trung, thiếu kiểm tra về vệ sinh dịch tễ và kiểm soát thú y vẫn còn phổ biến và nguy cơ phát tán dịch bệnh là rất cao. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành y tế tập trung kiểm tra, giám sát tất cả các đàn gia cầm trên địa bàn; kiểm tra giám sát các điểm giết mổ và mua bán gia cầm trên địa bàn nhằm ngăn chặn, phát hiện dịch bệnh kịp thời. UBND tỉnh đã triển khai công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng các lò giết mổ tập trung nhằm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh”.
Ngọc Thiện