Trung tâm y tế Dự phòng Gia Lai đã tiến hành xét nghiệm 135 mẫu nước sinh hoạt lấy từ địa bàn các huyện Ia Pa, Phú Thiện, Krôngpa, Chư Sê, Chư Pưh, Đức Cơ. Kết quả bước đầu cho thấy, hầu hết các nguồn nước sinh hoạt ở vùng nông thôn trong tỉnh đều bị ô nhiễm, chủ yếu do các chất thải ra sông suối chưa qua xử lý, nguồn phân bón của đàn gia súc thả rông.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có khoảng 80% số dân ở vùng nông thôn được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, thông qua việc đầu tư xây dựng hàng ngàn công trình nước gồm giếng đào, giếng khoan, hệ thống tự chảy. Trong đó, phần lớn các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều sử dụng loại hình hệ thống nước tự chảy, bơm nước từ các dòng sông suối lớn để lấy nước dùng. Mặc dù, các loại hình công trình này đều có hệ thống bể chứa lắng lọc, khử trùng trước khi đưa vào sử dụng, song vẫn bị ô nhiễm bởi các vi sinh vật từ các loại chất thải trong quá trình sản xuất và chăn thả gia súc.
Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai được hợp vệ sinh hơn, các cấp chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở các khu vực có các nhà máy chế biến nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chăn thả gia súc gần nơi có nguồn nước.