Khi được hỏi về gương làm kinh tế giỏi của tuổi trẻ Hà Giang, mọi người luôn nhắc đến anh Nguyễn Văn Toàn, sinh năm 1985, chàng trai trẻ dân tộc Tày có nguồn thu nhập cao từ mô hình chăn nuôi lợn theo qui mô trang trại tại thôn Chang, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (Hà Giang).Trang trại nuôi lợn của anh Toàn được xây thành 3 dãy chuồng, dãy thứ nhất gồm 8 ô chuồng, mỗi ô có diện tích 16 m2 chuyên nuôi lợn nái sinh sản để cung cấp lợn giống cho trang trại của gia đình; 2 dãy chuồng kế tiếp được nuôi lợn thương phẩm, mỗi dãy có 14 ô chuồng, mỗi ô có diện tích 20 m2 được nuôi từ 10 - 12 lợn thịt/ô. Các ô chuồng được anh Toàn nuôi thành nhiều lứa từ lợn giống mới tách đàn đến lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng. Tổng số lợn thịt thương phẩm của 2 dãy chuồng từ 220 - 240 con. Với phương pháp nuôi gối như vậy, nên tháng nào anh Toàn cũng có lợn thịt xuất chuồng, trung bình từ 7,0 - 7,5 tấn lợn thịt/tháng.
Anh Toàn bên dãy chuồng nuôi lợn. |
Anh Toàn tâm sự: Từ năm 2008 đến nay, riêng chăn nuôi lợn mỗi năm anh xuất chuồng từ 75 - 80 tấn lợn thịt thương phẩm, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi từ 180 - 200 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Toàn cho biết: Anh khởi nghiệp chăn nuôi lợn từ năm 2007, sau khi tốt nghiệp cấp 3, với số vốn ít ỏi của gia đình, anh đã đầu tư nuôi 2 lợn nái. Toàn bộ số lợn giống được anh nuôi thành lợn thịt để bán ra thị trường. Thấy nuôi lợn có lãi, cuối năm 2007 anh vay thêm Ngân hàng Chính sách của huyện Vị Xuyên 100 triệu đồng vốn ưu đãi trong 3 năm, cùng với số vốn tích cóp của gia đình anh tiếp tục đầu tư mở rộng qui mô chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt.
Khi được hỏi về bí quyết trong chăn nuôi, anh Toàn chia sẻ: Trong chăn nuôi lợn, quan trong nhất là khâu vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng trừ dịch bệnh. Nguồn thức ăn chủ yếu của lợn là cám công nghiệp cộng với số ngô, lúa được gia đình thu mua của bà con trong vùng.
Mô hình chăn nuôi lợn theo qui mô trang trại của anh Toàn là một mô hình điểm trong phát triển kinh tế của xã Việt Lâm hiện nay.