Chuyện một người nông dân đã mạnh dạn tự bỏ tiền túi ra để trồng rừng, biến đồi núi trọc trơ đá thành những cánh rừng xanh ngắt tại Ninh Thuận đã làm mọi người thán phục. Anh là Mang Bấy, người dân tộc Raglai, ở thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước.
Trồng keo đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Trước đây, thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) "nổi tiếng" với nạn phá rừng. Từng ngọn đồi, ngọn núi xanh ngắt theo thời gian đã dần tàn lụi dưới bàn tay chặt phá của lâm tặc. Đau lòng chứng kiến cảnh rừng xanh "đổ máu", anh Mang Bấy luôn trăn trở làm sao để đồi núi có lại màu xanh. Lúc đầu bài toán ấy thật khó đối với anh. Nhưng nhờ được vợ, con đồng lòng, sẻ chia, anh Mang Bấy quyết tâm dành trọn vốn liếng dành dụm cả đời để đầu tư trồng keo lá tràm. Vào mùa mưa cuối năm 2009 và đầu năm 2010, anh đầu tư vốn thuê máy ủi chạy lên san lấp đất, làm luống bậc thang và thuê nhân công xuống giống trồng. Không những thế, anh còn đầu tư làm cả hệ thống tưới, đưa nước từ dưới lên cung cấp nước tưới cho cây trong năm đầu sinh trưởng.
"Là một người dân địa phương, nhận thấy diện tích đất trống đồi núi trọc còn nhiều nhưng không có đơn vị hay người dân nào đến trồng rừng, để bỏ không rất lãng phí. Trong khi đó đời sống đồng bào Raglai nhiều khó khăn, sinh sống dựa vào đi rẫy và khai thác rừng trái phép, gây tác động xấu đến môi trường. Vậy nên tôi mong muốn thử nghiệm trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, phát triển kinh tế gia đình, nếu thành công thì chắc chắn đồng bào sẽ làm theo như gia đình tôi. Hiện một số đồi núi trọc được tôi mua giống cây trồng với số lượng 20.000 cây, đến giờ cũng khoảng 2 năm tuổi, nay đã xanh ngát. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước vạt rừng keo lá tràm xanh tốt nằm trên quả đồi với diện tích hơn 10 ha", anh Mang Bấy chia sẻ.
Sau gần 2 năm trồng, cây keo của anh Mang Bấy phát triển xanh tốt, đạt chiều cao trên 2 m, tỷ lệ sống trên 95%. Theo tính toán của anh Mang Bấy, khoảng 3 năm nữa thôi, cây keo lá tràm sẽ cho thu hoạch. Và với giá bán hiện nay là 3,5 triệu đồng/m3 gỗ thì rõ ràng 10 ha keo lá tràm hiện có sẽ cho thu nhập hơn cả tỷ đồng.
Công Thử