Người mẹ của những đứa trẻ ung thư máu

Với những bệnh nhân nhi ung thư đang điều trị tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, bác sĩ Mai Lan, Trưởng khoa Bệnh máu trẻ em cùng các bác sĩ trong khoa chính là  những người mẹ hiền và bệnh viện là ngôi nhà thứ 2.

Chưa một đêm ngon giấc 

  
Theo chân bác sĩ Mai Lan vào phòng bệnh thăm khám cho bệnh nhân, tôi không khỏi bất ngờ khi vừa bước chân vào cửa đã nghe tiếng cười của một bệnh nhi chừng hơn 1 tuổi. Đôi mắt tròn xoe và ngây thơ nhìn vị bác sĩ khoác blouse trắng trìu mến, còn bác sĩ gọi tên bệnh nhân ân cần và yêu thương như người mẹ gọi tên con mình, vừa thăm khám bệnh, vừa hỏi han chuyện gia đình bệnh nhân như người nhà.

Thấy tôi có vẻ ngỡ ngàng, vị phụ huynh cười nói: “Trước đây, cháu cứ thấy ai mặc áo blouse trắng là sợ, khóc thét lên, nhưng từ khi về điều trị tại đây thì khác, cứ thấy bác sĩ Mai Lan là cháu cười, thậm chí còn đòi bế, bác sĩ cũng thân thiện và quan tâm chúng tôi như người nhà vậy”.

Bác sĩ Mai Lan khám bệnh cho bệnh nhân tại Khoa Bệnh máu trẻ em (Viện Huyết học và truyền máu Trung ương).


Bất cứ ai khi tiếp xúc đều ấn tượng với nụ cười hiền hậu và đôi mắt buồn của nữ bác sĩ này. Bước chân ra khỏi phòng bệnh, như nén tiếng thở dài, bác sĩ Mai Lan chia sẻ: "Hơn 7 năm làm tại khoa nhi này, chưa đêm nào tôi có giấc ngủ ngon. Đó là cảm giác gì đó trăn trở, rất day dứt, mình hết tâm, hết sức chăm sóc và điểu trị nhưng bệnh này trên thế giới cũng chưa chữa được và mình cũng không làm được gì hơn cho các con. Mỗi khi nhìn bệnh nhân chỉ ngang tuổi con mình mà phải vật lộn bệnh tật đau đớn mà xót lòng”.

Khoa Bệnh máu trẻ em có tất cả 7 bác sĩ với gần 200 bệnh nhân điều trị vào thời điểm cao điểm nhất. Hầu hết các em đều từ vài tháng tuổi đến 16 tuổi. Hơn 2/3 bệnh nhân điều trị tại đây đều mắc bệnh ung thư máu, căn bệnh ác tính với khả năng chữa trị được không cao, chủ yếu là duy trì và kéo dài sự sống. Còn lại, hầu hết bệnh nhân mắc các bệnh liên quan về máu, phải điều trị lâu dài.

Nếu như đối với các bác sĩ nơi khác, kỷ niệm là niềm vui khi thống kê được số bệnh nhân được chữa trị, thì đối với các bác sĩ tại khoa nhi này, chỉ toàn kỷ niệm buồn. Bởi bệnh nhân càng đông thì nỗi buồn càng lớn. Đó là khi điểm lại khuôn mặt của những đứa trẻ ngây thơ đang phải chịu đau đớn, những khi bác sĩ cả khoa đứng khóc cùng người nhà khi một bệnh nhân ra đi… hay những bệnh nhân đau đớn gào khóc cả đêm, kêu tên bác sĩ rồi sáng hôm sau thì mất, khiến mỗi người đêm đêm ôm trong mình một nỗi buồn, day dứt khó tả…

Tất cả bệnh nhân đều là con, cháu

Là một trong những người đầu tiên về Khoa Bệnh máu trẻ em khi khoa mới thành lập từ năm 2009 và hơn 17 năm trong nghề, bác sĩ Mai Lan chia sẻ, về khoa Nhi, kỷ niệm buồn nhiều vô hạn, có những câu chuyện ám ảnh đến suốt đời. “Khi con tôi mới bước vào lớp 1, đêm trước mình vừa dạy con học toán thì sáng hôm sau đến viện thấy một bệnh nhân tên bằng tuổi con mình, nhìn rất thông minh, sáng sủa bị bệnh máu ác tính cũng mang đúng quyển sách đó và học đúng bài đó, nhìn thấy như vậy, có cái gì nghèn nghẹn, chạnh lòng, tôi không thể hỏi câu nào, nước mắt giàn giụa và đi ra”, bác sĩ Mai Lan kể.

Công việc của bác sĩ luôn bận rộn và vất vả. Nhưng đối với bác sĩ khoa nhi thì ngoài những vất vả trong công việc, điều trị là những áp lực về tâm lý. Nhiều gia đình, hai vợ chồng lấy nhau mãi mới có được một đứa con trai, đứa bé khỏe mạnh bình thường nên khi phát hiện ra bệnh, cả gia đình từ ông bà, bố mẹ đều không chấp nhận. Họ cho rằng con cháu họ vẫn khỏe mạnh, không thể bị bệnh nên không đồng ý làm bất cứ điều gì, kể cả xét nghiệm. Có những ông bố không tin, nhưng ngồi chết đứng từ tối hôm trước đến sáng hôm sau, khiến các bác sĩ cũng không thể cầm lòng. “Khi đó, chúng tôi phải đến nói chuyện, vận động, làm công tác tư tưởng, giải thích cho các phụ huynh hiểu. Dần dần, họ chấp nhận sự thật và cho con điều trị”, bác sĩ Mai Lan kể.

Các bác sĩ trong viện vẫn hay đùa, rằng Khoa Bệnh máu trẻ em là khoa phụ nữ và trẻ em, bởi 100% các bác sĩ trong khoa đều là nữ, nên tất cả những việc nặng nhọc, các chị em đều phải “tự thân”. Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang, một trong những bác sĩ trẻ nhất khoa chia sẻ: “Khoa toàn bác sĩ nữ nên đôi khi cũng vất vả hơn đôi chút. Nhưng tất cả mọi người đều ghi nhớ lời dặn của chị Mai Lan, đó là luôn yêu thương, chăm sóc, coi bệnh nhân như con cháu trong nhà, làm mọi việc không chỉ bằng nghĩa vụ, trách nhiệm mà bằng cả tình yêu thương thì sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Vì thế mà nhiều cháu nói ở viện vui hơn ở nhà, nhiều cháu gọi bác sĩ là mẹ”.

Khi một y tá chuẩn bị vào phòng phát thuốc cho bệnh nhân, bác sĩ Mai Lan còn chạy theo đưa một túi kẹo dặn dò: “Em phát kẹo cho các cháu, cứ nói rằng các cháu ngoan nên được thưởng kẹo, đừng nói là của ai nhé”.

Trong khi ở đâu đó có những câu chuyện bác sĩ nhận phong bì hay người thầy thuốc thiếu lương tâm, thì tại Khoa nhi này, lương y thật sự là mẹ hiền. Những người mẹ hiền toàn tâm chăm sóc và không ngừng trăn trở về bệnh nhân của mình…


Bài và ảnh: Thu Trang

Điểm tựa của bệnh nhân HIV/AIDS
Điểm tựa của bệnh nhân HIV/AIDS

Gần 7 năm qua, điều dưỡng Đặng Thị Ngọc Nguyên luôn đem nhiệt tâm của mình để chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS giai đoạn cuối. Chị không chỉ giúp họ xoa dịu nỗi đau về thể xác mà còn giúp các bệnh nhân xoa dịu cả nỗi đau về tinh thần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN