Chỉ chưa đầy 3 tháng sau trận lũ lịch sử, những ruộng lúa bắt đầu chúm chím mạ non, những cánh đồng ngô, rau đã chuyển màu xanh no ấm. Người dân vùng lũ Nghĩa Đô đang rộn ràng đón xuân về.
Vùng lũ như mặc chiếc áo mới
Nắng xuân len lỏi tìm về trên vùng lũ Nghĩa Đô mang theo ngọn gió ấm lành khe khẽ xua đi chút hanh hao, lạnh lẽo cuối Đông. Núi tươi tỉnh lại bởi màu xanh của những cây, những lá, mầm non tươi khẽ cựa mình vươn lên từ thân gỗ mục vất vơ bên suối. Nương đồng hai bên đường dẫn vào trung tâm Nghĩa Đô đã ngan ngát biếc màu của bãi ngô, khoai tây, bắp cải vào vụ thu hoạch... Hương đất, hương rừng ngai ngái dậy lên từ những cánh đồng hai bên đường hơn 2 tháng trước còn ngập trắng nước - hậu quả của cơn lũ dữ để lại.
Sau trận lũ lớn mà theo các vị cao niên trong làng "70 năm mới có một lần", toàn bộ Nghĩa Đô có 98 nhà bị thiệt hại, trong đó 12 nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn; 87 ngôi nhà bị ngập nước từ 1-3m. Chiếc cầu sắt bắc qua suối bản Lằng của xã Nghĩa Đô đã bị lũ cuốn trôi mặt cầu và hai mố cầu, đoạn đường lên Bản Đáp có tới 15 điểm bị sạt lở, hai thôn Bản Lằng, Bản Đáp với trên 100 hộ dân bị chia cắt. Trưởng thôn Bản Lằng Hoàng Văn Phương nhìn ra dòng suối nước hiền hòa đã từng là hung thần của người dân Nghĩa Đô vài tháng trước, chia sẻ: Bản Lằng có 21,7 ha lúa thì tất cả đều bị vùi lấp, cơ bản là mất trắng, chỉ còn mấy ha có thể vớt vát được, 4 nhà sàn bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Bản Lằng vẫn còn 12 hộ nghèo, năm nay chẳng những không giảm được hộ nào mà số hộ nghèo sẽ tăng lên.
Dù vẫn còn đó những khó khăn, nhưng từ sự trợ giúp của cả cộng đồng xã hội, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và sự cố gắng của mỗi người dân vùng lũ Nghĩa Đô đang hồi sinh một cách nhanh chóng.
Trở lại Nghĩa Đô hôm nay, đầu xã, đã thấy mái ngói đỏ tươi của những căn nhà sàn, nhà cấp bốn vừa được dựng lại, thấp thoáng nụ cười của người dân đứng cạnh đống tre gỗ đang tập kết chất trước sân để hoàn thiện ngôi nhà còn dang dở. Trên con đường dẫn tới khu chợ phiên, đám trẻ trêu đùa chạy nhảy, hát nghêu ngao câu đồng dao của dân tộc Tày: "... Sấm trước không mưa/ Nắng tháng 6 được lúa/ Nắng tháng 9 mất mùa/ Làm nhà đợi tranh thì không tốt/Làm ruộng đợi mạ thì không tốt/ Rét vừa tốt mạ/ Rét quá tốt rau...".
Xuân về, vùng lũ như mặc chiếc áo mới. Ghé thăm gia đình chị Ma Thị Quỳnh ở ven suối bản Nà Đinh, căn nhà hư hỏng nặng nay đã được dựng lại đàng hoàng, không còn xập xệ, trống hoác như hồi sau lũ. Cơn lũ cuốn trôi tất cả, từ lương thực đến trâu bò, nhưng được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và nhân dân trong cả nước cuộc sống của gia đình chị đã trở lại bình thường sau những ngày gian khó.
Trong nếp nhà sàn gỗ mới, khang trang vững chãi được dựng lên từ đống đổ nát trên nền đất cũ, chị Quỳnh vui vẻ cho biết: "May sao trong lúc khốn khó, có sự giúp sức của xóm giềng đã kịp dựng lại ngôi nhà ấm cúng. Gạo, áo quần thì được đồng bào cả nước sẻ chia khó khăn nên cuộc sống tạm ổn, đang dần quay về nếp cũ".
Các mái nhà, tường nhà, cột nhà sàn vẫn còn ngấn nước, nhưng trên từng khuôn mặt dãi dầu mưa nắng của người nông dân hầu như không còn sự hãi hùng, thảng thốt sau cơn "đại hồng thủy". Theo ông Hoàng Văn Hữu, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô, trên địa bàn xã có 12 ngôi nhà dân bị sập hoàn toàn, được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ xây lại nhà mới, đến nay đã hoàn thành khoảng 80 - 90% cho bà con kịp đón Tết.
Đón Tết trên đồng để trong nhà no ấm
Trong trận lũ quét xảy ra ngày 22/10, ngoài những thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản, người dân tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, còn mất trắng trên 100 ha lúa chuẩn bị cho thu hoạch. Trong đó, trên 60 ha bị vùi lấp hoàn toàn bởi cát, sỏi và rác, độ sâu từ 0,5 - 1,2m. Không những mất sản lượng lúa vụ mùa, việc khôi phục để sản xuất những vụ tiếp theo của bà con cũng gặp rất nhiều khó khăn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên đã đưa ra phương án: Hỗ trợ giống để bà con chuyển sang trồng khoai tây và ngô trong vụ đông sắp tới, nhằm lấy sản phẩm vụ đông bù lại những thiệt hại do lũ ống gây nên, bảo đảm an toàn lương thực và thu nhập cho người dân vùng lũ.
Giờ đây, đường về thôn Nà Đinh - một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của xã Nghĩa Đô trải dài bởi màu xanh của ngô non, khoai tây xen lẫn với rau màu ngắn ngày, đường làng, ngõ xóm được dọn dẹp tinh tươm. Chị Hoàng Thị Vện thoăn thoắt tay cuốc khẩn trương chăm sóc ngô đông để dành thời gian cho vụ đông - xuân sắp tới vui vẻ tâm sự: "Trời làm mất thì bắt đất đền, sau cơn lũ, gia đình tôi nuôi thêm 400 con vịt bầu, ước tính lãi 40 triệu đồng dành ăn Tết. Việc nhiều làm không xuể thì nhờ bà con láng giềng giúp một tay, nhưng mỗi người phải tự cố gắng vươn lên thôi, không ai giúp mình mãi được".
Vịt bầu Nghĩa Đô là sản phẩm đã được công nhận thương hiệu thuộc dự án hỗ trợ của hội nông dân xã giúp thoát nghèo tại địa phương. Sau lũ, 40 hộ dân của xã Nghĩa Đô đã tiếp tục gây lại đàn vịt chuẩn bị xuất bán trong dịp Tết đem lại nguồn thu nhập không nhỏ với giá trị kinh tế cao.
Trước không khí làm việc hăng say của bà con, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô cho biết: Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng với tâm lý sẵn sàng "đón Tết trên đồng để trong nhà no ấm", người dân Nghĩa Đô đang nỗ lực vượt khó, cải tạo đất cát, ruộng đồng để đảm bảo sau Tết sẽ tự túc được lương thực và ổn định lại cuộc sống.
Ông Hoàng Văn Hữu cho biết thêm, sau cơn lũ vừa qua, nhờ sự giúp đỡ thiết thực từ huyện, tỉnh và các tập thể, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước, đến nay đời sống nhân dân xã Nghĩa Đô cơ bản đã ổn định, hậu quả của lũ lụt cũng khắc phục gần xong. Các đường nội xã bị lũ làm sạt lở, đứt gãy nay đã được sửa sang. Đến nay, các gia đình có nhà bị thiệt hại đều đã được nhận đầy đủ tiền, quà hỗ trợ. Xã cũng đã đề nghị và kêu gọi nhiều tập thể, cá nhân hảo tâm chung tay lo cho bà con vùng lũ một cái Tết tươm tất, ý nghĩa. Tinh thần bà con giờ rất phấn khởi, nỗ lực vượt khó vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào chính quyền địa phương.
Một mùa xuân mới lại về, vùng lũ tang thương giờ đây ngập trong sắc hoa xuân. Dù vẫn còn đó những khó khăn, mất mát, nhưng người dân Nghĩa Đô vẫn tiếp tục vươn dậy mạnh mẽ trong lao động, sản xuất với niềm tin mãnh liệt về một năm mới yên vui và phát triển.