“Người đàn bà đẹp” đồng hành cùng trẻ nhiễm HIV

Quyến rũ, tự tin, năng động…, đó là những cảm nhận đầu tiên về chị Lê Thị Trang Đài - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu. Quan trọng hơn, ở “người đàn bà đẹp” này còn toát lên một tình cảm yêu thương chân thành với những trẻ em có số phận không may mắn, nhất là trẻ nhiễm HIV/AIDS. Chị đã mang đến cho các em một gia đình ấm áp, luôn rộn ràng tiếng hát, tiếng cười…

“Tôi không có gì đặc biệt cả, chỉ là một người đồng hành với trẻ nhiễm HIV thôi”, Trang Đài tránh nói về mình, rồi nhanh nhảu “kéo” chúng tôi đi thăm mái ấm dành cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ nhiễm HIV.

Thoạt nhìn, khuôn viên của Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu không rộng lắm nhưng nội thất bên trong lại được bố trí khoa học thành nhiều phòng chức năng, có đầy đủ tiện nghi chẳng kém gì so với các trường mầm non có tiếng tại Hà Nội.

Lúc này, tại phòng học ở tầng 3 của trung tâm, khoảng 20 cháu nhỏ từ 5 - 12 tuổi đang hý hoáy tô màu trong một không gian đẹp đẽ, xung quanh lớp học là những hình vẽ động vật nhiều màu sắc và những bức tranh ngộ nghĩnh do chính các em sáng tác. Bé trai N.M.T. vừa tô màu vừa nói: “Con học lớp 3. Con được học sinh giỏi. Sau này, con muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho bản thân, cho má và các bạn nữa”.

Chị Trang Đài cùng tụi trẻ ở Trung tâm bảo trợ.


Chị Trang Đài cho biết: “Bé T. là một trong số trẻ bị nhiễm HIV. Mấy tháng trước, mẹ cháu đã qua đời do AIDS. Giờ đây, cháu chỉ còn một người thân duy nhất là người bạn học của mẹ cháu, thỉnh thoảng có tới thăm”.

Không chỉ hiểu rõ về hoàn cảnh của bé T., chị Trang Đài còn hiểu rõ về hoàn cảnh của từng trẻ ở trung tâm như lòng bàn tay. Trung tâm đang nuôi dưỡng 87 trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trong đó 35 trẻ nhiễm HIV (độ tuổi từ vài tháng tới 12 tuổi).


Tuy nhiên, vì các cháu còn quá nhỏ nên các má tại trung tâm chưa dám cho các con biết sự thật này. Việc các con uống thuốc ARV (ngăn chặn HIV nhân lên) hàng ngày được các má giải thích là để chữa một căn bệnh nào đó. Còn việc đưa các con lên khám bệnh tại BV Nhi đồng I, TP Hồ Chí Minh hàng tháng là để khám sức khỏe định kỳ.

Theo chị Trang Đài, trung tâm cũng rất chú trọng việc nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho các cháu nhiễm HIV. Bằng kinh phí từ nguồn vận động, chế độ dinh dưỡng của các cháu được nâng lên từ 650.000 đồng/tháng (ngân sách nhà nước cấp) lên 1.500.000 đồng/th


Ngoài ra, hàng ngày, các cháu đều được bổ sung thêm sữa tươi, vitamin, sữa dinh dưỡng đặc biệt. Các cháu còn có thêm chế độ ăn sáng là 300.000 đồng/tháng; trái cây là 300.000 đồng/cháu/tháng.

Hiện nay, tất cả những trẻ nhiễm HIV trong độ tuổi đến trường đều được ra ngoài học ở các trường phổ thông. Một số trẻ quá tuổi đi học thì được phổ cập văn hóa ngay tại trung tâm.


Đặc biệt, trung tâm còn tổ chức lớp tiếng Anh cho trẻ do các giáo viên người nước ngoài đang công tác hoặc sinh sống tại Vũng Tàu đảm nhận. Tổ chức lớp dạy võ Teakwondo, đá bóng, đánh cầu lông, đi bể bơi, tắm biển, học múa hát…, giúp trẻ nhiễm HIV nâng cao thể trạng, tự tin và hòa nhập với cộng đồng hơn.

Mong muốn những đứa con của mình có được một cuộc sống bình thường như bao trẻ nhỏ khác nên chị Trang Đài áp dụng phương pháp giáo dục rất khác biệt. Ngoài việc các mẹ luôn gắn bó, quan tâm tới sức khỏe, bữa ăn, giấc ngủ của các con thì mỗi buổi đi học, các cháu đều được phát 3.000 đồn


Đến cuối tuần, mỗi em lại có từ 10.000 - 40.000 đồng (tùy độ tuổi) để có thể tự mua những món đồ yêu thích. Ngày lễ, Tết, các con còn được phát 500.000 - 1.000.000 đồng/cháu và được các mẹ đưa đi chợ để tùy thích chọn lựa mua quần áo, giày dép, đồ chơi…

“Hồi nhỏ, ai chẳng thích có được một cây kem hay một cái kẹo bông nhâm nhi lúc tan trường, ai chẳng thích chơi trò nọ trò kia và thích phá phách một chút, có ai mà không làm buồn lòng ba mẹ đâu.


Vậy tại sao không tạo điều kiện cho trẻ được sống như các bạn bè đồng trang lứa? Tại sao lại buộc trẻ phải sống trong tâm lý ban phát, đến đôi dép, quần áo cũng giống nhau? Đó là lý do tôi tạo điều kiện để các con có thể sống thoải mái, làm điều mà chúng thích”, chị Đài lý giải.

“Đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu trẻ”

Ngân sách nhà nước cấp chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu, vậy kinh phí đâu để chị trang trải mọi hoạt động của trung tâm và còn làm công tác từ thiện (tương đương khoảng 2 tỷ đồng/năm)?

“Thật ra cũng không có gì là quá khó khăn, vấn đề là mình có quyết tâm làm hay không mà thôi. Nếu đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu trẻ, rồi quyết tâm làm thì mọi việc ắt sẽ đạt hiệu quả như mong muốn thôi”, chị Trang Đài cười đáp.

Năm 1999, khi mới nhận lời quản lý “Mái ấm tình thương”, tiền thân của Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu hôm nay, chị Trang Đài và 2 nhân viên (1 nấu ăn, 1 giáo viên) từng phải làm mọi việc từ giặt giũ, dọn phòng đến chăm sóc 15 trẻ nhỏ.


Do ngân sách nhà nước cấp rất khiêm tốn (2.000 đồng/cháu/ngày), nên hàng ngày chị phải chạy ngược chạy xuôi, lên chùa và đi mọi nơi có thể để xin mì gói, cơm và kinh phí để duy trì hoạt động cho trung tâm.


Lúc đó, thấy các con ngày nào cũng phải ăn mì, cơm rang, mẹ Đài rất xót xa, chị thường nhủ lòng cần phải cố gắng hơn nữa, phải tận dụng mọi cơ hội để có thêm chút kinh phí, cải thiện đời sống cho các con.

May sao, trời không phụ lòng người, từ mối quan hệ với phu nhân của một tổng giám đốc công ty lớn ở Pháp, chị Trang Đài đã tạo thêm được nhiều mối quan hệ khác. Hoạt động kêu gọi tài trợ của trung tâm nhờ vậy ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

“Có lẽ nhờ việc mình có thể trực tiếp nói chuyện với các đối tác, sử dụng chính xác những từ ngữ “đắt” để cho họ thấy mình cần và muốn gì, cũng như có thể thổi bầu nhiệt huyết của mình lan truyền vào lòng họ nên hiệu quả công việc luôn như mong muốn.


Đến nay, chưa một nhà tài trợ nào “bỏ” trung tâm, ngược lại luôn hỗ trợ ngày một nhiều hơn”, chị Trang Đài hồ hởi.

Chị cho rằng, điều quan trọng trong việc kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm là cần tuân thủ nguyên tắc minh bạch tài chính, họ sẽ tiếp tục ký các dự án hỗ trợ nếu thấy số tiền bỏ ra được sử dụng hiệu quả.


Tuyệt đối không nên “chằm chằm” xin tiền hoặc ngồi đợi xin một số tiền lớn, hoàn toàn có thể kêu gọi hỗ trợ bằng hiện vật và cho từng dự án nhỏ như: Xin tài trợ sữa, tã, cải tạo khu bếp ăn...

Với cách làm việc đó, Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu luôn có được nguồn tài trợ ổn định, năm sau cao hơn năm trước. 35 trẻ nhiễm HIV/87 trẻ tại trung tâm luôn được hưởng sự chăm sóc chu đáo từ sự quan tâm của nhiều tổ chức và các tình nguyện viên quốc tế.


Năm 2009, trung tâm còn dành hơn 2 tỷ đồng để cấp 500 suất học bổng cho trẻ em nghèo, học giỏi, đỡ đầu nuôi dưỡng 171 em tại gia đình, tham gia các phong trào ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, xây tặng nhà tình thương…

“Về công việc của các cháu nhiễm HIV sau này khi trưởng thành, tôi không lo lắm vì bằng nguồn vận động, trung tâm vẫn tiếp tục nuôi dưỡng, lo toàn bộ chi phí học tập học lên đại học hoặc hỗ trợ tạo nghề tìm việc cho các em sau này.


Điều mà tôi băn khoăn nhất đó là không rõ thời gian tới, khi các dự án không còn thì nguồn thuốc ARV dành cho trẻ nhiễm HIV có được duy trì đều đặn như hiện nay? Làm sao để những trẻ nhiễm HIV trưởng thành chấp nhận được thực tế là mình nhiễm HIV nhưng không bị tổn thương và hành xử tốt, tránh lây nhiễm HIV ra cộng đồng?", chị Đài chia sẻ.

Trước khi chia tay, chị Trang Đài kể cho tôi nghe câu chuyện về giây phút cuối cùng của một cậu bé nhiễm HIV tại trung tâm. Cậu bé đó tên là Mai Văn Hiếu, cháu qua đời khi mới 10 tuổi.


Trước khi mất mấy ngày, Hiếu liên tục gọi điện từ BV về trung tâm giục chị: “Má! Má cho con về nhà mình đi”. Khi Hiếu được đưa về trung tâm, thân thể cháu đã lạnh dần, nhưng cháu vẫn muốn mẹ Đài cho chơi trò chơi điện tử.

“Giây phút đưa bàn tay con trẻ di trên con chuột lần cuối cùng trước khi qua đời cho tôi nhiều ý nghĩa lắm, đó là cho đến phút cuối thì con người ta vẫn đam mê, vẫn luyến tiếc nhiều điều mà mình chưa thực hiện được.


Vậy thì chúng ta đừng chần chừ, hãy sống thực và hãy làm mọi điều để thực hiện niềm đam mê, để mang lại hạnh phúc cho mình và cho cả mọi người. Cho đi là nhận lại mà…”, chị Đài chùng giọng.

Những chia sẻ trước lúc tạm biệt của nữ giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu khiến ai nấy đều xúc động. Tôi tin rằng "Người đàn bà đẹp" đó sẽ còn làm được nhiều điều tốt đẹp hơn cho những trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trẻ em nhiễm HIV.


Bởi với chị, việc làm thế nào để chăm sóc các con được tốt hơn giờ đã là một niềm đam mê đặc biệt mà chị đã tự nguyện đeo đuổi suốt cuộc đời.

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN